Các chiến dịch diễn ra trên phạm vi quốc tế
Tài khoản mạng xã hội twitter mang tên Our Earth (@ARMYssaveEarth) đã đăng tải sáng kiến vì môi trường dành cho cộng đồng với hai hoạt động chính là trồng cây và dọn dẹp đường phố. Những người hâm mộ của nhóm nhạc này sẽ thực hiện hai hành động trên, sau đó chụp ảnh cùng với sự xuất hiện của một sợi dây hay một dòng chữ màu tím (màu sắc được xem như màu của cộng đồng người hâm mộ BTS, có ý nghĩa tương tự “yêu thương”), đi kèm với ghi chú #purpleourearth (tạm dịch: hãy yêu thương lấy trái đất này).
Hưởng ứng chiến dịch nói trên, những người hâm mộ BTS tại Biên Hòa đã tổ chức một buổi dọn sạch đường phố vào ngày 1/6. Đồng thời, trên mạng cũng xuất hiện rất nhiều hình ảnh những chậu cây mới trồng nằm trong khuôn khổ chiến dịch này.
Những chậu cây mới (ảnh Đức Trọng) |
Bên cạnh đó, chiến dịch của cộng đồng ARMY này cũng kêu giảm bớt sử dụng túi nilông, những sản phẩm nhựa dùng một lần như dao, muỗng, nia, chai lọ... cũng như học cách phân loại rác.
Chiến dịch thu gom pin diễn ra tại Hà Nội
Vào ngày 9/6, người hâm mộ BTS tại Hà Nội sẽ có một sự kiện vì môi trường mang tên “Đổi pin cũ lấy slogan – ARMY save Planet 1306-084” do trang facebook Floral Wings khởi xướng, trong đó mỗi bạn trẻ thuộc cộng đồng sẽ tự thu gom pin trong gia đình, bạn bè xung quanh đem đến nơi tập kết (Indochina Plaza, Xuân Thủy, Cầu Giấy) để đổi lấy 1 tờ băng rôn có dòng chữ “ARMY Save Planet” (ARMY giải cứu hành tinh) và dùng chính băng rôn đó để chụp ảnh, tuyên truyền cho chiến dịch này bằng cách đăng tải lên mạng kèm thông điệp “Tôi, ARMY, từ giờ cam kết sẽ không vứt pin vào chung với rác thải sinh hoạt mà sẽ đem về điểm thu gom”. Chiến dịch được phát triển với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân nói chung và đặc biệt là cộng đồng ARMY về tác hại của pin, cũng như của việc để chung pin và rác thải điện tử lẫn với rác thải sinh hoạt.
Thêm một chậu cây, thêm một tia hy vọng. (Ảnh: Diệu Anh) |
Việc tiêu hủy rác thải điện tử không đúng cách đã và đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến môi trường sống của chúng ta, bởi trong thiết bị điện tử có chứa rất nhiều hóa chất độc hại như chì hay thủy ngân. Việc bị phá hủy sai cách đã khiến cho những hóa chất này rò rỉ, ngấm vào đất hoặc phát tán vào không khí, gây ô nhiễm nặng nề môi trường xung quanh.
Chúng ta cần nhiều hơn nữa những chiến dịch hướng vào những nhóm cụ thể để có thể len lỏi ý thức cộng đồng và bảo vệ môi trường sống ngày một đi sâu, đi sát vào từng gia đình, từng cá thể. Vì môi trường không của riêng ai.