Chương trình diễu hành truyền cảm hứng, khát vọng đi tới của Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại Quảng trường Nhà hát thành phố, Hải Phòng tổ chức Chương trình duyệt đội ngũ, diễu hành quần chúng biểu dương lực lượng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ.
Duyệt đội ngũ chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN
Duyệt đội ngũ chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Sáng 11/5, tại Quảng trường Nhà hát thành phố diễn ra Chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng biểu dương lực lượng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025 do Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức.

42 khối Diễu hành gồm: 4 khối nghi lễ; 17 khối đội ngũ lực lượng vũ trang; 21 khối diễu hành quần chúng và các xe mô hình, mở ra một không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa lòng tự hào dân tộc và tinh thần hội nhập, khơi dậy lòng yêu nước, truyền cảm hứng và khẳng định khát vọng đi tới của cả một thành phố đang vươn mình ra thế giới và là lời hứa gửi vào tương lai: Hải Phòng sẽ tiếp tục tỏa sáng-năng động, sáng tạo và không ngừng bứt phá.

Khai mạc sự kiện, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, nhấn mạnh sau Hiệp định Geneva năm 1954, Việt Nam tạm thời chia thành hai miền. Hải Phòng trở thành một trong những địa điểm cuối cùng ở miền Bắc còn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Pháp. Hiệp định Geneve quy định thời gian 300 ngày để Pháp chuyển quân tập kết vào miền Nam.

Trong 300 ngày này, từ tháng 8/1954 đến tháng 5/1955, Hải Phòng đã chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của quân và dân ta trên nhiều mặt trận.

Về chính trị, Đảng bộ và chính quyền Hải Phòng đã lãnh đạo nhân dân giữ vững tinh thần, đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại của địch, đặc biệt là âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép người dân di cư vào Nam.

Về kinh tế, công nhân và người dân Hải Phòng đã chủ động tháo dỡ, cất giấu máy móc, tài sản của các nhà máy, xí nghiệp để tránh rơi vào tay quân Pháp, chuẩn bị cho việc khôi phục và phát triển kinh tế sau này.

Về quân sự, mặc dù Pháp vẫn kiểm soát thành phố, các lực lượng vũ trang cách mạng vẫn duy trì hoạt động bí mật, sẵn sàng tiếp quản khi thời cơ đến.

Về văn hóa-tư tưởng, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu rõ về tình hình, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng và giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng…

Cuộc đấu tranh kéo dài trong suốt 300 ngày, cho đến ngày 13/5/1955, quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve trên địa bàn thành phố.

Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và quá độ lên xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước sau này.

Đây là cuộc đấu trí đầy bản lĩnh của Đảng, kết hợp khéo léo giữa chính trị, ngoại giao, quân sự và sức mạnh nhân dân, buộc Pháp rút lui trong hòa bình, giữ vững nguyên vẹn cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân thành phố Cảng.

Cuộc đấu tranh giải phóng Hải Phòng là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Khẳng định ý chí kiên cường trong đấu tranh, không khuất phục trước kẻ thù, giữ trọn niềm tin vào Đảng, vào con đường cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mở ra một chương sử mới, thời kỳ phát triển mới trong lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng và lịch sử thành phố Hải Phòng.

70 năm đã đi qua, Hải Phòng hôm nay không chỉ là thành phố của những con tàu và ngọn sóng, mà còn là minh chứng sống động cho ý chí vươn xa, cho tình yêu quê hương cháy bỏng, tăng tốc phát triển, xứng đáng với truyền thống mà cha ông đã để lại - một thành phố kiêu hãnh nhìn về quá khứ để mạnh mẽ bước tới tương lai.

Chương trình diễu hành truyền cảm hứng, khát vọng đi tới của Hải Phòng ảnh 1

Diễu hành quần chúng biểu dương lực lượng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Trực tiếp xem chương trình, em Nguyễn Quang Huy, sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, xúc động chia sẻ Hải Phòng đã thực sự bừng sáng với chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025. Đây là một sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử và tinh thần tự hào dân tộc.

Sự kiện chính là một lời nhắc nhở đầy tự hào về hành trình mà thành phố đã đi qua, đồng thời thể hiện sức trẻ, sự phát triển và tinh thần đoàn kết của tất cả mọi người. Thế hệ trẻ Hải Phòng hôm nay đang tiếp bước truyền thống hào hùng bằng sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, em Nguyễn Quang Huy cho biết.

Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Viết tiếp hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Tháng 1/2025, phát biểu tại lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ IX, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra dấu mốc đặc biệt “năm 2025, nền báo chí cách mạng Việt Nam tròn 100 năm tuổi - một cột mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường lịch sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng đồng hành cùng sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Xử lý tài sản công dôi dư và quan tâm tới công tác cán bộ, nguồn nhân lực
Xử lý tài sản công dôi dư và quan tâm tới công tác cán bộ, nguồn nhân lực
(Ngày Nay) - hiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, cùng với các vấn đề về công tác cán bộ và nguồn nhân lực trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính.