Đến dự Lễ hội có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Đại sứ quán một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ôn lại truyền thống vẻ vang của Hải Phòng - nơi “đầu sóng ngọn gió” để bảo vệ Tổ quốc, thành phố của truyền thống “trung dũng - quyết thắng”. Hiện kinh tế của thành phố luôn phát triển mạnh mẽ và đột phá, bình quân 9 năm liền GRDP đạt 12,7 %/năm.
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng khẳng định, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng - 2024 có dấu ấn đặc biệt vì thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng Chương trình hành động, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Cùng với phát triển kinh tế, Hải Phòng rất chú trọng xây dựng các công trình văn hóa, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng có giá trị cho muôn đời sau. Hiện nay, Hải Phòng có 132 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa Quốc gia; trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt; có 21 bảo vật Quốc gia được công nhận. Truyền thống lịch sử của đất và người Hải Phòng cùng với những di sản văn hóa được vinh danh sẽ là tiền đề, động lực quan trọng để Hải Phòng phấn đấu trở thành đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực sự trở thành động lực phát triển của cả nước - Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng khẳng định.
Trong Lễ hội, Đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu chúc mừng hai địa phương, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân địa phương cùng cam kết ở mức cao nhất để thúc đẩy sự phát triển cân bằng, bền vững khu di sản, thay vì chỉ lựa chọn các dự án có giá trị kinh tế cao, ngắn hạn nhưng có nguy cơ tạo ra những tác động tiêu cực tới khu di sản.
Ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ, hai tỉnh, thành phố cùng các tổ chức, đơn vị liên quan và người dân địa phương còn nhiều việc phía trước phải làm để đạt mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế bền vững, trong đó có việc giữ gìn Khu Di sản thiên nhiên thế giới vô giá này theo đúng yêu cầu của Công ước về Di sản thế giới. Việc thực hiện các cam kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ là một trong 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới từ năm 2024.
Ngay sau lễ khai mạc là Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” gồm 3 chương. Chương 1 với tên gọi “Khúc nguyệt cầm của biển”, hình tượng chủ đạo là ánh trăng huyền thoại. Dưới ánh trăng, những truyền thuyết, huyền tích của lịch sử thành phố Hải Phòng được tái hiện. Chương 2 với tên gọi “Hải Phòng - Rạng rỡ tháng Năm” lấy hình tượng chủ đạo trong dàn dựng sân khấu là ngọn hải đăng với nhiều ý nghĩa về lịch sử và thời đại. Chương 3 với tên gọi “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”, hình tượng chủ đạo là mặt trời thể hiện cho những khát vọng mãnh liệt của thành phố trước bình minh mang vận hội, thời cơ mới mở ra cánh cửa bước vào tương lai đầy hứa hẹn cho thành phố Cảng.
Chương trình nghệ thuật đêm hội được dàn dựng với chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện các giá trị, nét đặc trưng tiêu biểu nhất về huyền thoại, lịch sử, di sản văn hóa, hình ảnh, con người Hải Phòng bằng thực cảnh, kết hợp cùng công nghệ AR (Augmented Reality - thực tế ảo). Đặc biệt có sự tham gia, trình diễn của gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và thành phố như: Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Lam, Nghệ sỹ Nhân dân Khánh Hòa, ca sỹ Thu Phương, Tùng Dương, Phạm Thu Hà...
Kết thúc đêm hội là màn pháo hoa tầm cao xen lẫn tầm thấp.