Chuyện cô kể không màu hồng

(Ngày Nay) - Nhận được cuộc gọi bất ngờ từ một phụ huynh ở Bắc Ninh, cô giáo Cao Minh Phương (Long Biên, Hà Nội) mừng phát khóc khi phụ huynh luống cuống khoe: “Thằng Tũn đã biết tự vạch chim ra tè rồi cô Phương ạ”. Nửa năm rèn giũa, dạy con biết lắng nghe, nói chuyện, hay đơn giản biết tụt quần, kéo quần khi đi vệ sinh đã chẳng hoài phí… 
Cô giáo Cao Minh Phương và tiết học dạy trẻ tự kỉ nhận biết bảng chữ cái
Cô giáo Cao Minh Phương và tiết học dạy trẻ tự kỉ nhận biết bảng chữ cái

Nói, hát, đọc thơ, quậy như trò

Căn nhà 3 tầng nằm trong ngõ nhỏ đối diện trung tâm thương mại Mipec Long Biên (phố Long Biên 2, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) chỉ có một trò một thầy mà náo động chẳng khác gì một lớp mầm non có chục em nhỏ. Cô giáo Cao Minh Phương đã có thâm niên dạy trẻ tự kỉ chục năm nay nhưng chưa bao giờ có một giờ học bình yên với các bé tự kỉ. Các con bị hội chứng tự kỉ đứa thì tăng động, đứa lại thờ ơ với mọi thứ… Mỗi đứa trẻ là một tính cách riêng, cảm xúc riêng, vô cùng khó nắm bắt.

Hôm nay cô Phương dạy bé Nhím luyện nói. Một tiếng luyện nói là một tiếng mệt nhoài cô nói liên tục, liên mồm. Khi thì cô cười, lúc lại nheo mắt, thậm chí giả mặt mèo “Meo meo” để thu hút Nhím. Thấy con không hứng thú, cô Phương nhanh chóng chuyển sang hành động khác. Cô gọi tên Nhím thật to và rõ để Nhím ngoảnh lại. Nhưng Nhím chẳng ngoảnh. Cô hát luôn một bài hát thật vui nhộn: “Gà mà không gáy là con gà con…”. Vẫn chẳng “xi nhê” gì. Cô lại đọc thơ: “Mẹ mua cho bé/Mấy chú gà con/Đứng trên mâm tròn/Đua nhau mổ thóc/Tốc, tốc, tốc, tốc!”. Thế là Nhím cười tít mắt quay lại cô.

Chuyện cô kể không màu hồng ảnh 1"Giáo viên muốn trẻ hợp tác thì trước tiên phải lấy được lòng tin của trẻ, làm bạn được với trẻ, hòa được vào thế giới của các con" - cô Phương nói

Nhím ê a được đôi ba chữ lại nằm dài ra sàn. Thích thì Nhím ngồi, không thích Nhím cứ chạy. Cô nói gì mặc kệ, cả thế giới sẽ lùi lại sau lưng cô gái nhỏ 3 tuổi được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỉ từ hồi tròn 28 tháng.

Mồ hôi toát nhẹ trên trán, cô giáo Phương vẫn cười thật vui để hòa đồng với con, mệt như đang chơi trò ú tìm với học trò. Chị bảo: “Tự kỉ đồng nghĩa với khiếm khuyết về nhiều mặt như: ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội... Nhận thức kém hơn nhiều so với độ tuổi. Giáo viên muốn trẻ hợp tác thì trước tiên phải lấy được lòng tin của trẻ, làm bạn được với trẻ, hòa được vào thế giới của các con”.

Sau luyện nói là tiết học vận động. Nhím là đứa trẻ tăng động, nhiều năng lượng, cô Phương yêu cầu Nhím phải xách can đi lên cầu thang. Chiếc can bé xíu nằm trong tay Nhím, con bặm môi xách lên, vừa xách vừa khóc ra chiều bất hợp tác, nhưng cô kìm lòng không cho con nghỉ, vì “hoạt động này rất tốt cho những trẻ tăng động, giúp con điều tiết bản thân, xả bớt năng lượng ra ngoài, giúp con đi vào nề nếp, điều khiển hành vi khá hơn...” - cô Phương lý giải.

Theo cô giáo Phương, không đơn giản bỏ công sức chơi với các con, hiểu tính cách của con, mà cô giáo phải mua sắm và thay đổi đồ chơi liên tục, gấp 2-3 lần một phòng học mầm non vì trẻ tự kỉ rất nhanh chán, muốn dạy các con hiệu quả phải thu hút được trẻ. Chưa kể số đồ chơi hỏng mỗi ngày tăng lên vì trẻ tăng động hay làm hỏng đồ chơi.

Cứ mỗi lần có thêm một trẻ tự kỉ đến “gõ cửa” nhà cô Phương là một lần cô phải thức đêm “sáng tạo” một giáo án khác. Mỗi đứa trẻ một chương trình học khác nhau, nó phụ thuộc vào nhận thức và tình trạng nặng nhẹ của từng trẻ. Chương trình học cũng phải “nát óc” lập ra, vì ngoài rập khuân theo một số bài học của giáo trình nước ngoài, chắt lọc các bài học cơ bản từ chương trình mầm non, tiểu học, mỗi giáo viên dạy trẻ tự kỉ phải tự “nghĩ” ra bài học tùy vào học trò của mình.

“Trẻ bình thường không cần dạy kỹ năng tự phục vụ, nhưng với tự kỉ, cô giáo phải dạy hết tất tần tật: từ cầm thìa, đánh răng, rửa tay chân, lau mặt… Trẻ bình thường có thể dạy một lèo trong thời gian ngắn, nhưng trẻ tự kỉ phải chia nhỏ từng bước, rất lâu. Một kỹ năng rửa tay học đến cả tuần. Hôm nay học mở vòi nước, đóng vòi nước, ngày mai học giơ tay vào vòi nước, ngày kia học lấy xà phòng rửa tay, rồi tiếp tục học xoa tay thế nào cho sạch, xả nước thế nào cho hết bọt… Bài học lau tay có khi phải kéo sang tận tuần sau. Với cô Phương, những bài học đó cứ trở đi trở lại, kiên trì và bền bỉ. “Dạy con đi dép quai hậu mất rất nhiều thời gian. Nan giải nhất là dạy con tự mặc áo quần, cài cúc áo…”.

Mỗi bài dạy là một lần mệt nhoài, “căng mình” thu hút trò vào bài giảng. Lại đọc thơ, hát, thậm chí nằm xuống sàn cùng trẻ… Một giờ “vật lộn” ấy, cô giáo Phương chỉ nhận mức học phí 120-150 nghìn/giờ học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn chỉ 80-100 nghìn, thậm chí miễn phí cho nhà nghèo. Nhiều người e dè không tin tưởng, cho rằng “của rẻ là của ôi”, nhưng cô Phương luôn giữ giá vì: “có con tự kỉ các mẹ rất khổ rồi, dạy các con đâu phải ngày một ngày hai con tiến bộ, đó là hành trình gian khổ, lâu dài. Mình chia sẻ với các mẹ được chừng nào quý chừng ấy…”.

Nỗ lực của cô thành “dã tràng xe cát” nếu phụ huynh thờ ơ

Bao giờ cũng thế, sau mỗi ngày học, dù chỉ là dạy các con một hành vi nhỏ, cô Phương luôn trao đổi lại với phụ huynh để gia đình phối hợp cùng cô, cho các con luyện kỹ năng tại nhà. Công việc đó cũng giống như con học được chữ A, cô Phương luôn khuyến khích gia đình con nói thật nhiều chữ “A”, chỉ cho con chữ “A” ở tờ lịch, trên màn hình tivi hay trong truyện tranh... để con nhận biết nhanh.

“Mỗi đứa trẻ đến học là một giáo án dạy khác nhau: dạy nhận thức, dạy ngôn ngữ, vận động tinh, vận động thô, phối hợp tai mắt, kĩ năng tự phục vụ, kỹ năng chơi tương tác, kỹ năng bắt chước… Để các con có thể thành thạo kĩ năng, cha mẹ phải nỗ lực cùng cô cho con luyện tập, một giờ học cùng cô có bao giờ là đủ” – cô Phương nói.

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ mạnh dạn dẹp công việc bộn bề sang một bên để cùng học, cùng chơi, cùng tập luyện với con. Đó là trường hợp của bé Na, đến lớp cô Phương khi tròn 5 tuổi, con chưa có một kỹ năng gì, nhận thức, vận động chỉ như trẻ mấy tháng tuổi. Cô uốn mãi, nắn mãi không đạt được kết quả như mong đợi vì gia đình bất hợp tác.

“Na đến lớp lúc 5 tuổi, bé còi lắm, nhà ở bên phường Ngọc Thụy. 5 tuổi nhưng Na không thể nói được, không có nhu cầu giao tiếp, thờ ơ với tất cả mọi thứ. 5 tuổi rồi nhưng con chỉ ăn cháo, không biết nhai. Tôi đã nhiều lần khuyến khích gia đình cho con tập nhai, nhai sẽ giúp cơ hàm của con hoạt động, không bị cứng lại, việc luyện nói cũng sẽ dễ hơn. Con ở lớp được cô nghiêm khắc uốn nắn, tập từng tí một nên đã chịu hợp tác, nhai rất gọn gàng. Nhưng tiếc thay, khi về nhà, bố mẹ quá bận rộn, sốt ruột, không thể ngồi chờ con nhai cơm nên quay sang… xay cơm. Cô dạy Na biết cách tụt quần, kéo quần lên khi đi vệ sinh nhưng tối về nhà, bà và mẹ quá sốt ruột tự làm luôn giúp con. Cô ra sức cố gắng một phía, cha mẹ lại ra sức xóa dấu vết, thế là… công cốc” - chị Phương nhớ lại.

Cuối cùng, Na cứ ì một chỗ, không tiến bộ, cô phải từ chối dạy Na vì viết mãi, dạy mãi “não con vẫn là tờ giấy trắng”. Sau đó, Na chuyển vào trường tiểu học Hi vọng bên phường Đức Giang – một trong những trường dành cho học sinh chuyên biệt, chậm phát triển ở Hà Nội.

Chị Phương bảo, phụ huynh bất hợp tác thôi chưa đau bằng việc phụ huynh đổ hết lỗi lên “đầu” cô giáo. “Biểu đồ tư duy phát triển của trẻ tự kỉ theo hình Sin, có giai đoạn rất tiến bộ, có giai đoạn thụt lùi nhưng hễ có thời gian con thụt lùi, chững lại là gia đình chỉ trích cô không biết dạy. Mỗi lần bị chỉ trích là mỗi lần giáo viên buồn muốn buông xuôi”.

Chị Phương luôn nói đi nói lại với phụ huynh học sinh, đừng đánh giá sự tiến bộ của các con qua việc con nói được nhiều hay ít mà phải nhìn toàn diện, chỉ cần con nghe hiểu tốt, hành vi tốt, chịu hợp tác… là đã có thay đổi tích cực. Nhiều gia đình cứ một mực đòi con phải nói nhiều, nghe hiểu nhanh, học một thời gian thấy con chưa nói được nhiều là sốt ruột tìm cô giáo khác khiến quá trình học của con bị xáo trộn, đứt quãng...

Thiếu cảm thông là cánh cửa đóng sập cơ hội hòa nhập của trẻ

Trong đời làm giáo viên 10 năm qua, cô Phương luôn nhớ bạn Bánh Rán – một cậu bé tự kỉ học tập rất tiến bộ, nhưng không được trường học “đón nhận”.

Bánh Rán có mẹ làm báo chí, bố công tác bên ngành công an, bà ngoại làm giảng viên đại học. Cả nhà đều chấp nhận tình trạng “chậm phát triển não bộ” của con nên ai cũng ý thức được việc dạy dỗ con thật kiên trì và nhẫn nại. Hễ đi công tác trong Sài gòn là bố Bánh Rán tìm mua bằng được các đồ dùng, đồ chơi dạy trẻ chuyên biệt, tài liệu tham khảo để về dạy con.

“Ngày gặp con, Bánh Rán khóc suốt… Cả cô và trò ròng rã học tập, rèn luyện bên nhau suốt từ năm con 2 tuổi đến 6 tuổi. Con tiến bộ lắm, nhận thức tốt, làm Toán nhanh nhưng chỉ ưa nhẹ nhàng. Muốn Bánh Rán nói chuyện, mở lời, cô giáo và người thân xung quanh phải dỗ dành ngọt ngào. Ra môi trường lạ là con không giao tiếp, không nói chuyện, bất hợp tác. Ngày con vào lớp 1, bố mẹ Bánh Rán ngược xuôi xin cho con vào trường công nhưng không được nhận. Trường nào cũng lắc đầu từ chối vì con không qua được đợt kiểm tra đầu vào. Cô hỏi gì con cũng không mở lời, cô quát mắng khiến con thu người lại dù biết đáp án.

Nghe bố mẹ kể lại, tôi đã nhẹ nhàng hỏi Bánh Rán, sao con không trả lời cô giáo. Bánh Rán nói rằng “Con ghét cô í. Tôi hỏi vì sao, con im lặng. Tôi lại thủ thỉ: “Cô quát con nên con sợ à?” - Bánh Rán gật đầu và khóc òa lên. Tôi hiểu, xã hội vẫn còn quá nghiêm khắc với trẻ tự kỉ. Muốn đánh giá năng lực của trẻ tự kỉ, giáo viên phải chơi cùng con, cho con thời gian làm quen, hòa đồng, chứ kiểm tra liến thoáng trong vòng 10-15 phút, lại với nét mặt nghiêm nghị, quát mắng… thì chẳng đứa trẻ nào có cơ hội hòa nhập” – cô Phương kể lại.

Với cô giáo Phương, đứa trẻ nào cũng có thể hòa nhập nếu được trao cơ hội. Xã hội đang vô tình đẩy các con vào thế giới khác biệt, khiến việc hòa nhập vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tự kỉ không phải là bệnh mà là hội chứng

“Quan điểm của tôi là nếu con tăng động quá thì chấp nhận cho uống thuốc theo đơn của bác sĩ, nhưng chỉ uống ở mức độ vừa phải, không nên lạm dụng. Cha mẹ nên cố gắng dành thời gian cho con tập luyện, thể dục, xả hết ra năng lượng ra, tốt nhất là cho con đi bộ hay tập xe đạp để điều tiết bản thân” - cô giáo Phương đưa lời khuyên. 

Hãy chấp nhận con và cùng cô giáo cố gắng

Nghe con tự kỉ là một cú sốc rất nặng với tất cả bậc cha mẹ, thường không phải ai cũng chấp nhận được sự thật, người nhanh nhất cũng mất vài tháng lấy tinh thần và tìm hướng đi cho con, nhưng nhiều người không bao giờ chấp nhận.

Cha mẹ nên chấp nhận tình trạng của con để can thiệp nhanh, không nên giấu giếm tình trạng của con. Khi nói ra tình trạng của con mình, các mẹ sẽ nhận được cái nhìn thông cảm, để khi ra ngoài xã hội, khi con có hành vi không phù hợp, mọi người sẽ không trách ba mẹ mà sẽ cảm thông, chia sẻ khó khăn với gia đình…

Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.