Trong bài viết gần đây đăng trên một tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả gọi Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ “5 say”: Say văn, say nhạc, say đời, say họa và say rượu. Riêng tôi, thiết nghĩ, Nguyễn Trọng Tạo còn nhiều cái say khác như say làm báo. Là một người không chỉ viết nhiều bài báo sắc sảo mà Nguyễn Trọng Tạo còn biết cách tổ chức một tờ báo, đúng hơn là một trang mạng với nhiều bài viết sinh động, hấp dẫn. Nguyentrongtao.info hiện nay và trước đây là… tuy có lúc thăng, lúc trầm, có bài hay, bài chưa hay nhưng là một trang mạng nhiều người đọc. Nếu sàng lọc lại, trong đó có không ít bài viết rất bổ ích.
“Say rượu, say thơ, say em… say ngất ngưởng cả ngày vẫn biết cách ngẩng cao đầu nói thật”, đó là một câu thơ trong bài thơ tôi viết tặng Nguyễn Trọng Tạo. Bởi tôi nghĩ, với người làm báo chân chính thì nói ra sự thật và bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật quả không dễ, có khi còn nguy hiểm nữa. Nhưng, Nguyễn Trọng Tạo có lúc, có nơi, có những bài viết đã thể hiện được điều đó.
Là một người nhiều cái say như vậy, lâu nay tôi cứ nghĩ nhà thơ đa tài này đâu có thời gian mà chăm sóc việc nhà, dạy dỗ con cái. Hóa ra, tôi đã nhầm.
Hẹn nhau mấy lần, nay mới có dịp đến ngôi nhà sàn của Nguyễn Trọng Tạo ở vườn sinh thái Vietnet, khu vực bãi giữa ngoài đê sông Hồng. Vừa bước vào sân, tôi đã nhìn thấy năm pho tượng ở hai bên vườn. Tôi nhận ra hai bức tượng quen quen. Tượng của thi sỹ Nga Ê xê Nhin, một người say thơ, say rượu, say cái đẹp, đã thắt cổ tự vẫn khi mới 30 tuổi và để lại nhiều bài thơ hay cùng câu nói nổi tiếng “Vẫn biết chết chẳng có gì là mới, nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn”. Bức tượng thứ hai là thi sỹ, nhạc sỹ Văn Cao. Cả hai thi sỹ tài năng này đều thích rượu.
Tiệc rượu ở nhà thi sỹ “5 say” sắp tan, những chai rượu đã rỗng, bạn bè ngồi lại chỉ còn vài ba người, những người chủ của các công ty tư nhân yêu thơ, yêu nhạc… Tôi tưởng Nguyễn Trọng Tạo đã say, nhưng khi mở đầu câu chuyện văn chương, chuyện con cái… Nguyên Trọng Tạo lại tỉnh như chưa hề bia rượu.
|
Nguyễn Trọng Tạo bên con và cháu. |
Trò chuyện, tôi mới biết Cẩm Ly (tên thật là Nguyễn Thu Hương, SN 1977) là cô con gái đầu của Nguyễn Trọng Tạo, vốn thông minh, học giỏi, được vào thẳng Đại học, rồi tốt nghiệp đại học kinh tế quốc dân nay đã là Phó giám đốc một ngân hàng uy tín. Cậu con trai Nguyễn Vũ Trọng Thi (SN 1987) đang làm luận án tiến sỹ kiến trúc ở Ý. Cô con gái út Nguyễn Vũ Bảo Chi (SN 1992) đang học năm cuối của trường Đại học Kinh tế.
Tôi nhớ mười mấy năm trước, mỗi lần vào Huế, tôi đều ghé nhà Nguyễn Trọng Tạo uống rượu, đọc thơ. Hai người con của thi sỹ “5 say” còn đuổi nhau chạy quanh sân… Thời gian thấm thoắt, hỏi Nguyễn Trọng Tạo dạy con điều gì? Nguyễn Trọng Tạo nói “Dạy kiên nhẫn và khôn khéo”. Nguyễn Trọng Tạo vạch vào khoảng không chữ “Nhẫn” có bộ đao đè trên chữ "Tâm". Bây giờ, nhiều người treo chữ “Nhẫn” trong nhà. Treo để nhắc nhở bản thân và để dạy các con luôn kiên nhẫn.
Với Nguyễn Trọng Tạo, dạy các con kiên nhẫn, chính là dạy cho các con tấm gương kiên trì nhẫn nại của chính mình và người ông nội của các con mình. Ông đồ Vận (Nguyễn Trọng Vận) thân sinh thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo dạy chữ nho, giỏi tiếng Pháp, từng sắm vai lý trưởng để hoạt động cho cách mạng. Khi cách mạng thành công, ông giữ chức bí thư, kiêm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã. Nhưng rồi những sai lầm của cuộc cải cách điền địa đã khiến gia đình ông khốn đốn. Gia đình trắng tay. Ông phải làm thợ cày, thợ mộc, làm đủ nghề để nuôi vợ con. Với sự kiên nhẫn của một người đã kinh qua những biến động khôn lường, ông nhẫn nại chịu đựng, nhẫn nại dạy các con nên người. Nhà ông có sáu người con, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo là con trưởng.
Điều tôi thú vị nhất là khi Nguyễn Trọng Tạo nói dạy các con mình “khôn khéo”. Khôn khéo mà thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo nói ở đây chính là sự khôn ngoan. Khôn ngoan là cái khôn của người có trí tuệ, cái khôn của sự khôn lớn. Nó khác hẳn khôn lỏi, khôn vặt, khôn ranh mà hiện nay không ít người đang trổ “khôn” kiểu đó. Trong kinh thánh, nói rất nhiều và rất đề cao sự khôn ngoan “Sự khôn ngoan hơn sức mạnh” (trích kinh thánh). Thì ra Nguyễn Trọng Tạo đã đọc kinh thánh từ lâu. Đã rút ra nhiều điều trong đó để dạy các con mình. Nguyễn Trọng Tạo nói thích nhất trong kinh thánh là chương “Nhã ca”. Và các con của thi sỹ “5 say” đã thấm nhuần và hành xử theo những điều bố dạy.
Khi có người hỏi cô con gái đầu lòng của Nguyễn Trọng Tạo rằng, vì sao các cháu không theo nghiệp bố? Cẩm Ly nói: “Ba con dạy: con hơn cha là nhà có phúc. Nếu các con theo nghề văn chương của ba, sẽ không thể bằng ba được, thơ không hay bằng ba, nhạc không giỏi hơn ba… Nên chúng con theo nghề kinh tế. Làm kinh tế dù chúng con có kém cỏi thì vẫn chắc là hơn ba vì ba không biết làm kinh tế… Như vậy thì chúng con mới thực hiện được lời ba dạy…”. Thật là một cách trả lời khôn ngoan, một cách hành xử khôn ngoan.
Thi sỹ “5 say” Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947, tại Diễn Châu (Nghệ An). Năm 1969, tham gia quân đội, từng là trưởng đoàn văn công xung kích sư 341B. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, Nguyễn Trọng Tạo được điều về Trại sáng tác quân đội rồi vào học ở trường viết văn Nguyễn Du (khóa 1). Năm 1981, do một bài thơ đăng trên báo, Nguyễn Trọng Tạo đã bị “lên bờ xuống ruộng”, cũng chính thời gian đó Nguyễn Trọng Tao đã có ý định tự tự bằng hai khẩu súng ngắn bắn vào đầu mình. Thật may là anh đã thay đổi ý định đó.
Khi nhận xét về những sáng tác thơ của Nguyễn Trọng Tạo, cố nhà văn Nguyễn Đình Thi nói “Thơ Tạo hướng về nỗi đau của nhân dân”. Năm 1978, có một cuộc tuyển chọn những bài thơ hay do báo Nhân Dân tổ chức. Trong hơn chục bài thơ được chọn và đăng báo có bài “Làng có một ngày như thế” của Nguyễn Trọng Tạo và bài “Đi trong rừng Cúc Phương” của tôi. Ngay từ ngày đó tôi đã nhận ra nỗi đau đáu của người thi sỹ tài hoa này. Đau đáu với những nỗi đau của người dân, của thời cuộc… Bài thơ “Nhân dân” mới đây của Nguyễn Trọng Tạo là đỉnh cao của nỗi đau này! Chính “cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi và lấp lánh vô vàn những cái chớp mắt” như cố nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã nhận xét đã làm nên một Nguyễn Trọng Tạo hôm nay. Đó cũng chính là điều mà thi sỹ “5 say” Nguyễn Trọng Tạo hướng cho các con phải luôn sống trung thực, chân thành, không chỉ biết có mình. Nguyễn Trọng Tạo kể: “Khi con gái mới ra trường làm ngân hàng, cháu nói với tôi là đã từ chối các phong bì “bồi dưỡng” của khách hàng. Tôi vui lắm, động viên con, khen: Giỏi! Và cháu còn nhớ đến giờ”…
“Phức tạp như Nguyễn Trọng Tạo” là tên bài viết mới đây của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Cũng phải, một người đa tài, đa cảm, đa đoan như Nguyễn Trọng Tạo hẳn phải sống nhiều con người trong một con người, nhiều tính cách trong một bản thể, nhiều sự phân thân trong sự bất phân thân… Và, cũng phải kiên nhẫn và khôn khéo như những gì mà thi sỹ “5 say” đã dạy cho các con mình…
Tôi đọc bài viết này của Trung Trung Đỉnh mới biết, sau hai cuộc hôn nhân “bây giờ, nhiều người bảo Tạo sướng, có vợ mới, nhà mới, vợ lái xe đưa đón hắn đi nhậu. Trời đất qủy thần ơi, sướng khổ biết đâu mà lường…” (trích bài viết “ Phức tạp như Nguyễn Trọng Tạo”).