Trước đó, ngày 26/3, trên địa bàn xã Đông Sơn, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã xảy ra hiện tượng mưa đá trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của cơ quan chức năng, mưa đá không gây thiệt hại nhiều, chỉ ảnh hưởng nhỏ đến diện tích trồng bắp của người dân địa phương.
Lý giải về hiện tượng này, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, do ảnh hưởng của rìa phía trước khối không khí lạnh, cộng thêm tác động của rãnh xích đạo, nên trong 2 ngày 26-27/3, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên đã có mưa rào và dông; tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có mưa, mưa to kèm mưa đá.
”Đây là hiện tượng bình thường vì đang trong giai đoạn chuyển mùa, hiện tượng này có thể diễn ra trên cả nước. Trong thời điểm này, chính quyền địa phương và người dân cần lưu ý tới hiện tượng dông lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh”, ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do mưa đá gây ra, việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp chính.
Để chủ động ứng phó mưa đá, khi xảy ra mưa đá, người dân nên tìm chỗ trú ẩn an toàn, tập trung ở những ngôi nhà mái bằng, mái tôn kiên cố. Nếu ở trong nhà lợp Fibroxi măng thì người dân nên tìm nơi có thể tránh trú được như: Gầm bàn, gầm giường, tìm các vật cứng để che đầu đề phòng đá rơi vỡ ngói.
Về lâu dài, để đề phòng mưa đá có thể xảy ra, quá trình xây dựng nhà cửa, người dân nên lưu ý kết cấu khung mái, xà gồ phải sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận. Khi làm mái nhà, nên thiết kế dốc nhiều xuống hai bên, cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá, giúp giảm thiệt hại do mưa đá gây ra.