Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph được công bố hôm thứ Hai, Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu, đã cảnh báo các quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề như Anh, Ý và Tây Ban Nha trước việc quá vội vàng gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa được áp đặt để kiềm chế sự lây lan của bệnh COVID-19.
"Từ lịch sử chúng ta biết rằng trong đại dịch, các quốc gia không bị tấn công sớm có thể bị tấn công bởi làn sóng thứ hai", ông Kluge nói trong cuộc phỏng vấn. "Những khu vực như Đông Âu hay châu Phi có thể mục tiêu tiếp theo".
Mặc dù Ý đã xác nhận hơn 225.000 trường hợp nhiễm bệnh và có hơn 32.000 ca tử vong, các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ hôm thứ Hai. Phòng tập thể dục, bể bơi và trung tâm thể thao dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới và vào ngày 3/6, khách du lịch châu Âu sẽ được phép đến thăm đất nước này.
"Mọi người nghĩ rằng lệnh phong tỏa đã hết. Nhưng không có gì thay đổi cả. Tất cả các biện pháp phòng dịch cần phải được chuẩn bị đầy đủ. Đây chưa phải là thời gian để ăn mừng", ông Kluge nhấn mạnh.
"Một số quốc gia có tư tưởng chủ quan rằng: 'Chúng tôi không giống như Ý' và chỉ hai tuần sau, dịch bệnh bùng phát. Họ có thể kém may mắn khi đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai, do đó chúng ta phải hết sức cảnh giác", vị chuyên gia khuyến cáo.
Ông Kluge cũng bày tỏ lo ngại rằng đợt bùng phát thứ hai có thể trùng với sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm khác như cúm mùa hay sởi.
"Tôi rất lo lắng về một đợt sóng kép vào mùa thu, chúng ta có thể có một đợt COVID thứ hai và một đợt cúm hay sởi theo mùa khác", vị chuyên gia của WHO cũng cho rằng các nước Đông Âu như Nga, Belarus và Kazakhstan có khả năng trở thành các ổ dịch mới trong khu vực.