Chuyện lão nông sáng chế

(Ngày Nay) - Một lão nông dù đã lớn tuổi nhưng vẫn cần mẫn sáng tạo ra những máy móc hữu ích, qua đó giúp bà con nông dân đỡ vất vả hơn. Đó là ông Dương Tư (50 tuổi, trú ở thôn 4, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Ông Dương Tư với niềm đam mê chế tạo máy móc
Ông Dương Tư với niềm đam mê chế tạo máy móc

“Tôi làm ra những sản phẩm thiết thực”

Khi tiếp xúc với ông lão, không ai nghĩ rằng ông chỉ mới học chưa hết cấp 2, bởi dường như ông tỏ ra rất am hiểu về công nghệ, máy móc, các thiết bị đều do ông tự làm từ A đến Z.

Ông cho biết học hết lớp 7 thì ông đi khắp nơi. Đầu tiên, ông học nghề thợ may, sau đó sang Nhật 3 năm để làm việc, rồi ông hồi hương về nước để đi học nghề điện tử ở TP Huế. Sau khi học xong, ông về quê hành nghề, nhận sửa chữa những máy móc, thiết bị điện tử, đồ dùng điện trong thôn. Đến năm 2012, ông mở thêm quán Internet. Đây có lẽ là một cơ duyên đối với ông. Trong quá trình trông quán, ông thường lên mạng học hỏi thêm các kiến thức về máy móc.

Chuyện lão nông sáng chế ảnh 1Lão nông sử dụng thành thạo máy tính để thiết kế bản vẽ

Vài năm trở lại đây, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng trước khả năng sáng tạo của ông lão chất phác. Những sản phẩm ông làm ra đều xuất phát từ cuộc sống. Nhìn thấy cây dừa cao mà nhiều người trèo rất khó khăn nên ông làm ra máy để  hái dừa; nhìn thấy việc nông dân cấy tay vất vả, ông chế ra máy cấy lúa quay tay không động cơ...

Động lực để người đàn ông có đam mê đó xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Ông Tư chia sẻ: “Tôi muốn sáng tạo ra những loại máy móc áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất, giảm sức lao động và góp phần ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Tôi làm ra những sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống người dân”.

Ông Tư cho biết thêm, ông thích cái gì ông sẽ làm cái ấy, bởi có đam mê thì làm mấy cũng không biết mệt mỏi là gì. Lúc đầu, ông chỉ biết thiết kế máy móc, còn lại nhờ thợ thi công. Sau vài lần, ông thấy thợ thi công không như ý mình nên ông tự tay mua đồ nghề về làm. Cứ thế, cái “máu” ham máy móc cứ ngấm vào da thịt ông từ khi nào không hay.

Những chiếc máy hữu ích

Ông Tư lần lượt liệt kê ra các sản phẩm mà ông tự mày mò, chế tạo ra. Đầu tiên là máy cấy lúa quay tay không động cơ, hệ thống tưới phun nước cho những đồng ruộng khô, tiếp đến là cộng tác với nhóm giảng viên trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tạo ra máy cắt rau má, sau đó là ghế trèo dừa. Hiện tại, ông đang làm dụng cụ hái cau điều khiển bằng dây...

Nói về sản phẩm đầu tay, ông Tư cho biết, từ năm 23 tuổi, ông đã có ý tưởng làm ra máy cấy lúa quay tay, thế nhưng dòng đời đưa đẩy khiến ông không thể theo đuổi nó. Đến năm 2014, ông mới có cơ hội biến ý tưởng thành hiện thực.

Máy cấy lúa được làm bằng sắt, gỗ..., nặng khoảng 18 kg. Trên máy cấy có hai khay đựng mạ nhổ (mạ được nhổ để mang đi cấy). Người dùng chỉ việc kéo máy đi trên thửa ruộng, máy có máng trượt giữa nền ruộng. Sau đó, dùng tay quay làm chuyển động tay kẹp mạ, rồi nó tự cắm xuống ruộng một lần hai hàng. Máy hoạt động tốt trong điều kiện nước trong ruộng khoảng 10 cm trở xuống (thực tế khi gieo mạ mực nước thường dưới 10 cm), vì khi ngập sâu sẽ không thấy rõ đường để gieo.

Máy có ưu điểm là cho năng suất cao hơn người cấy, qua tính toán, ông Tư cho biết một máy cấy bằng 6 người cấy. Ngoài ra, máy dễ sử dụng, giá cả phù hợp, máy nhẹ nhàng, dễ mang vác, nhất là phục vụ cho những đồng ruộng hẹp như các thửa ruộng bậc thang, ruộng có diện tích nhỏ.

Vừa làm xong, ông mang máy ra sào ruộng mình để thử nghiệm, sau vài lần cải tiến cũng cho ra sản phẩm cuối cùng. Hiện tại, ông đã bán ra các tỉnh phía Bắc được 4-5 máy.

Ấn tượng không kém là chiếc ghế trèo dừa, trông đơn giản mà hiệu quả cao. Theo đó, ông dùng các thanh sắt, dây cáp để làm ra hai cái ghế có dây móc vào thân dừa. Ông áp dụng nguyên lý vật càng nặng càng bám chắc vào cây. Ghế có độ an toàn rất cao, do khó đứt dây. Phần trên đẩy lên, còn phần dưới làm bàn đạp. Hiện tại ông cũng bán được 4 cái với giá 1,2 triệu đồng.

Chuyện lão nông sáng chế ảnh 2Ông Tư trên ghế trèo dừa

Còn máy cắt rau má cũng rất hữu ích, nhất là trong huyện có xã Quảng Thọ chuyên trồng rau má. Máy có lưỡi sắt cắt rau má rồi chuyển lên băng chuyền (làm bằng da) sau đó cho vào sọt đựng. Máy cho năng suất cao gấp rất nhiều lần so với cắt tay. Theo tính toán, máy cắt được 1.200 m2/h.

Ông cứ miệt mài sáng tạo, vợ và 3 con ông luôn ở bên ủng hộ. “Từ khi tôi bước vào sáng tạo ra các sản phẩm máy móc, có nhiều người ủng hộ tôi, nhưng có người thận trọng cho tôi là không làm được vì vượt quá sức; cũng có người nói tôi tập trung vào mảng nông nghiệp sẽ có hiệu quả thấp…”, ông Tư tâm sự.

Ông Tư không đặt nặng vấn đề bản quyền bởi ông luôn mong muốn ai cũng có thể sản xuất được máy, qua đó làm giá thành giảm xuống để nông dân được nhờ, thúc đẩy sản xuất và làm xã hội phát triển hơn. Quan trọng là người nào có kỹ thuật tốt hơn để làm ra sản phẩm có chất lượng cao.

Các em nhỏ, cùng phụ huynh hào hứng tham gia buổi làm bánh Trung thu.
Vừa học làm bánh Trung thu, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ
(Ngày Nay) - Tết Trung thu 2024 diễn ra trong những ngày miền Bắc gồng mình khắc phục cơn bão số 3. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, trường học đã chuyển số tiền tổ chức Tết Trung thu sang từ thiện vùng lũ. Nhưng cũng có nơi vừa tổ chức buổi làm bánh Trung thu cho trẻ trải nghiệm, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ bằng việc làm thiết thực.
Nhóm nhạc BTS tại Lễ khởi động sáng kiến "Love Myself" của UNICEF tại Hàn Quốc. Ảnh: UNICEF
Gặp gỡ fan BTS đứng sau blog gây quỹ được gần 1 tỷ đồng ủng hộ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
(Ngày Nay) - Trong những ngày qua, cộng đồng fan nhóm nhạc BTS tại Việt Nam (V-ARMY) đã một lần nữa chứng minh sức mạnh của tình yêu và sự đoàn kết. Chiến dịch quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ nhiều blog, fanpage đã thành công ngoài mong đợi khi con số tổng cộng vượt 1,2 tỷ đồng.
Ngày mai ở Làng Nủ
Ngày mai ở Làng Nủ
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3.
Tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có thể giảm do bão số 3
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Bộ trưởng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có khoảng 1.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh được khám tầm soát miễn phí bệnh lý về thận tại chương trình.
Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
(Ngày Nay) - Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.