'Chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới'

0:00 / 0:00
0:00
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Samdech Moha Borvor Thipadei Hun Manet sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-12/12, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng đã trả lời phỏng vấn về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm, cũng như đánh giá kết quả và triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Campuchia. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
'Chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới'

Phóng viên: Hơn một tháng sau khi Vương quốc Campuchia thành lập Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ VII, Đại sứ đã đến chào xã giao tân Thủ tướng Samdech Moha Borvor Thipadei Hun Manet vào trung tuần tháng 10 vừa qua. Có những nội dung gì đáng lưu ý tại cuộc gặp trên, thưa Đại sứ?

* Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Sau cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII, Vương quốc Campuchia thành lập quốc hội mới và chính phủ mới, tôi đã đến chào Samdech Moha Borvor Thipadei Hun Manet, tân Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

Tại cuộc gặp, hai bên đánh giá cao mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” đã và đang không ngừng được củng cố và phát triển thông qua việc duy trì trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và các cấp, thúc đẩy các cơ chế hợp tác sẵn có trên các lĩnh vực, đặc biệt là tạo ra mối quan hệ gắn kết trong quan hệ giữa các bộ, ngành và địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực về hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác trong thời gian qua và nhất trí tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được. Trên cơ sở đó, mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, cam kết thực hiện tốt các nội dung hai bên đã thỏa thuận, góp phần thiết thực vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet cũng khẳng định chính phủ và các bộ, ngành Campuchia sẽ giữ vững mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, góp phần vun đắp, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Hai bên cũng trao đổi một số định hướng hợp tác trong tương lai giữa hai nước, tập trung chủ yếu vào việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các kênh nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực; phát huy và mở rộng hơn nữa các cơ chế hợp tác song phương sẵn có và cơ chế hợp tác ba bên Việt Nam-Lào-Campuchia; gia tăng hợp tác toàn diện, nhất là về thương mại, đầu tư và du lịch, khai thác các thế mạnh về biên mậu; xem xét mở rộng các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, cũng như tìm kiếm các cơ hội, cơ chế hợp tác mới hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Phóng viên: Thưa Đại sứ, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia được thiết lập và không ngừng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử hơn nửa thế kỷ qua, xin Đại sứ khái quát về mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước?

* Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Như chúng ta đã biết, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Campuchia đã được thử thách, tôi luyện và ngày càng phát triển một cách sâu rộng, thiết thực trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc.

Kể từ ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, thành quả của mối quan hệ giữa hai nước trong 56 năm qua không chỉ là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước mà còn thể hiện ở sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, đóng góp tích cực cho sự phát triển của mỗi nước, góp phần củng cố và tăng cường ngày càng vững chắc quan hệ Việt Nam-Campuchia.

Có thể nêu khái quát thành quả của mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 56 năm qua trên 5 điểm nổi bật sau đây.

Thứ nhất, quan hệ chính trị không ngừng được tăng cường và thắt chặt, là trụ cột định hướng cho tổng thể mối quan hệ Việt Nam-Campuchia. Hai bên luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ chính trị và khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên cả kênh Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thứ hai, hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại không ngừng phát triển và đi vào chiều sâu, là một trong những trụ cột hợp tác hết sức quan trọng của hai nước.

Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia. Thành quả hợp tác thương mại giữa hai nước đã góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi nước.

Thứ tư, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước cũng luôn được hai bên chú trọng thúc đẩy. Đây là mối quan hệ góp phần vào việc tăng cường nguồn lực cho hai nước, phục vụ sự phát triển của mỗi nước.

Và thứ năm, mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp, các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể và tổ chức quần chúng giữa hai nước không ngừng tăng cường phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần tích cực trong việc vun đắp và phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Phóng viên: Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả hợp tác Việt Nam-Campuchia trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?

* Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Hai nước Việt Nam và Campuchia đều đã nỗ lực và kiểm soát tốt đại dịch COVID, sớm mở cửa trở lại đất nước. Ngay sau khi mở cửa trở lại, hai nước đã nối lại các quan hệ và triển khai các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương. Đặc biệt, trong năm 2022, hai bên đã triển khai hàng loạt hoạt động chào mừng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong năm 2023 này, chúng ta thấy Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet đã có hàng loạt cuộc gặp các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, cũng như hội nghị quốc tế. Các cơ chế song phương như hội nghị cấp cao giữa hai đảng, ủy ban liên chính phủ, hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới... cũng được duy trì.

Bên cạnh đó, hai nước cũng chú trọng việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Có thể nói, mối quan hệ giữa hai nước sau COVID đã có những chuyển biến rất tích cực. Chúng ta thấy rằng tuy hai nước đều chịu tác động của đại dịch COVID nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng tăng trưởng.

Theo đó, năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia đạt 9,54 tỷ USD, năm 2022 đạt 10,57 tỷ USD và 10 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 7,1 tỷ USD. Triển vọng năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước tuy có sụt giảm so với năm 2022 nhưng vẫn đạt khoảng trên 9 tỷ USD.

Về lĩnh vực du lịch, trong năm 2023, trao đổi du lịch giữa hai nước cũng có bước tăng trưởng nổi bật. Trong 10 tháng đầu năm, số lượng khách du lịch Việt Nam đến thăm Campuchia đạt trên 880.000 người, trong khi khách Campuchia sang thăm Việt Nam đạt trên 300.000 người.

Ngoài ra, hai bên vẫn còn nhiều dư địa, lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác như khai thác các hình thái du lịch đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch y tế, cũng như kết nối các tuyến du lịch giữa các điểm đến, danh lam thắng cảnh của hai nước theo phương châm “Một hành trình hai nước đến” hoặc “Một hành trình ba nước đến” giữa Việt Nam, Campuchia và Lào. Cùng với đó là tiềm năng trong các lĩnh lực phát triển kinh tế xanh-sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh...

Với những nội dung mà hai bên đã thỏa thuận và với quyết tâm của hai chính phủ cũng như tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt, chắc chắn quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển trong những năm tới.

Phóng viên: Với triển vọng hợp tác đó, Đại sứ đánh giá như thế nào về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Samdech Thipadei Hun Manet, trong bối cảnh Vương quốc Campuchia vừa thành lập Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ mới với thành phần Nội các khá trẻ trung?

* Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Borvor Thipadei Hun Manet đến Việt Nam lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang có những tiến triển rất tích cực.

Như chúng ta đã thấy, vừa qua, hai bên đã triển khai hàng loạt các hoạt động chào mừng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, rồi Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022.

Năm 2023, Campuchia đã tổ chức thành công những sự kiện rất quan trọng, đó là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 đầy ấn tượng, đem lại nhiều cảm mến, để lại nhiều cảm xúc trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Campuchia trên trường quốc tế.

Do vậy, tôi cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet đến Việt Nam lần này sẽ góp phần rất quan trọng trong việc thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, đưa quan hệ Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.
Các điều tra viên thuộc Cơ quan chống tham nhũng nhà nước Hàn Quốc tiến vào tư dinh Tổng thống bị luận tội để thực thi lệnh bắt giữ ông Yoon Suk Yeol, tại Seoul, ngày 3/1/2025. Ảnh: YONHAP.
Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, các điều tra viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến vào dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng nước này tìm cách bắt giữ một tổng thống đương nhiệm.