Chuyện về những người đêm hôm giúp phụ nữ bị bạo hành… đi trốn

[Ngày Nay] - Mỗi người trong cuộc sống có một lựa chọn để làm mình vui, có thể một cô gái sẽ vui khi bỏ một triệu đồng ra mua cái váy đẹp, còn với Lê Thành Trung – Chủ nhiệm CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội, anh tìm niềm vui khi dùng một triệu đồng mua một tạ gạo giúp đỡ những người phụ nữ sa cơ lỡ vận.
Các hoạt động thiện nguyện của Trung và các bạn.
Các hoạt động thiện nguyện của Trung và các bạn.

Giúp người khác, nếu không muốn sẽ viện nhiều cớ

Chia sẻ với Ngày Nay, Trung nói: “Hoạt động thiện nguyện giống như khi bạn đi qua một cái hồ xung quanh đông đúc, bất chợt bạn thấy một đứa trẻ rớt xuống, việc cứu vớt đứa bé lên rất nhiều người có thể làm được, vấn đề bạn có muốn và có làm hay không?”.

Trong tình huống ấy, nếu ai không muốn cứu đứa trẻ sẽ viện ra rất nhiều cái cớ. Kiểu, “Tôi bận lắm”, “Tôi sắp có cuộc hẹn quan trọng”... Thực chất, chia sẻ giúp người khác có thể đem lại niềm vui và sự ấm áp. Trung đặt câu hỏi: “Bản thân chúng ta là con người, thay vì chó mèo, các loài động vật, cây cối còn yêu được... Tại sao con người lại không yêu thương đùm bọc nhau?”.

Chuyện về những người đêm hôm giúp phụ nữ bị bạo hành… đi trốn ảnh 1

Trung đã tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng được khoảng 26 năm, từ khi anh còn cậu sinh viên năm 2, chuyên ngành Sinh học - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Hẳn sẽ có người ngạc nhiên, bởi thời sinh viên mấy chục năm trước anh đã làm gì khá giả mà đi giúp người khác. Trung lý giải, sẽ là hiểu sai khi nghĩ giúp đỡ, quan tâm người khó khăn thì nhất định phải có tiền bạc.

Hoạt động thiện nguyện đã lâu, nhưng chỉ một năm nay các hoạt động của CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội mới được công khai trên Facebook là bởi Trung nghĩ: “Nếu cứ âm thầm đi giúp thiên hạ thì mình chỉ là người đi dọn dẹp hậu quả của xã hội mà thôi. Người ta sai lầm, mình đi sửa hộ, làm sao đủ sức, sức đến bao giờ?”

Anh ví dụ, thời sinh viên anh đi thực tập tại các làng bản xa xôi, anh hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống của họ, thấy nơi ấy dân trí còn thấp. Khi con cái họ mắc bệnh lạ như không chuyển hóa được đồng, tan máu bẩm sinh... họ cầu cứu “tứ phương”. Vì Trung là sinh viên ngành Sinh học nên có thể kết nối thông tin, nhờ thầy cô quen biết các Viện nghiên cứu nước ngoài, bệnh viện giúp đỡ, hoặc truyền đạt thông tin tới các tổ chức nước ngoài đỡ đầu chữa trị cho bé...

Dần dần, sự kết nối ngày càng rộng ra, nếu gặp một chuyện bế tắc không biết trông cậy vào ai, số điện thoại Trung Lê 0917894444 công khai trên mạng xã hội sẽ như một cái cầu để mọi người bấu víu. Cho dù có hàng ngàn tình huống bất ngờ, Trung và CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội vẫn luôn lắng nghe xem có cùng họ giải quyết được hay không.

Cánh cửa luôn mở cho phụ nữ cùng quẫn

CLB Sẻ chia sự sống tại Hà Nội đến nay có khoảng trên 1.600 người tham gia, trong đó khoảng 1.300 cộng tác viên thường xuyên. Trung cho biết, lượng cộng tác viên ở khắp mọi miền đất nước, được chia ra làm các nhóm phù hợp với năng lực thế mạnh. Bạn nào đam mê bếp núc sẽ có dịp nấu cơm thiện nguyện, chứ không bắt bạn giỏi viết lách đi xào rau. Khó có thể đếm được CLB đã thực hiện bao nhiêu hoạt động vì cộng đồng như tặng gạo ở trại phong, kêu gọi cộng đồng tham gia hiến tặng mô, tạng...

Chuyện về những người đêm hôm giúp phụ nữ bị bạo hành… đi trốn ảnh 2

Gần đây nhất, CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội đã chuyển hàng trăm chiếc cặp cứu sinh tới tay các cháu học sinh tiểu học Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thường các đoàn đi từ thiện vùng lũ lụt hay tặng mì tôm, nhu yếu phẩm, CLB không làm vậy bởi trong 20 năm thiên tai gần đây chưa có ai chết vì đói. Song, đã có tới hơn 13 ngàn người chết vì bị lũ cuốn. 1 cái cặp có trị giá bằng gần 3 thùng mì tôm nhưng có thể vừa giúp các cháu học sinh đến trường, vừa cứu được tính mạng trẻ thơ khi lũ về.

Bên cạnh người già và trẻ em, phụ nữ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn cũng là đối tượng được Trung cùng CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội tốn nhiều công sức.

Cách đây 8 năm, sau khi nhận được nhiều lời cầu cứu của các cô gái gặp phải những chuyện đau lòng như: bị chồng bạo hành đến mức tâm thần, bị bố mẹ vì sĩ diện của bản thân ép con đi phá thai ngoài ý muốn, các nữ sinh viên lỡ mang thai ở những tháng cuối không có chỗ dung thân... Trung và CLB đã quyết định đứng ra hỗ trợ, giúp những cô có chỗ ăn ở, trợ giúp sinh nở, bảo lãnh khi xin việc... Và từ đó những ngôi nhà chung ra đời. Với mục đích là chỗ trú ấn, lánh nạn cho các cô gái đã/sắp làm mẹ.

Chuyện về những người đêm hôm giúp phụ nữ bị bạo hành… đi trốn ảnh 3

Các cô gái cùng cảnh ngộ vất vả sẽ sống cùng nhau, đùm bọc, chia sẻ như cách bế con, cho con ăn, con mặc. Họ an ủi và động viên nhau. Tuy nhiên có những trường hợp khi sống với tập thể lại gây sự, khúc mắc tranh cãi, Trung và CLB lại phải khuyên nhủ xem có phù hợp với môi trường nhân ái, chan hòa hay không? Ngôi nhà chung ra đời cũng đem đến cho cá nhân Trung nhiều cảm xúc. Có lần anh vừa bực mình vừa buồn cười, một cô gái trẻ bị chồng bạo hành, đêm hôm đem con đi trốn, anh nghe máy dặn cô vào một nhà nghỉ nào đó ở tạm bởi anh đi công việc phải mấy tiếng nữa mới đến nơi đưa về ngôi nhà chung được. Có điều lúc ấy đứa trẻ bế trên tay thì hết sữa uống, đói quấy, cô gái ấy lại đến kỳ kinh nguyệt. Vậy là nửa đêm Trung – một người đàn ông phải mò đi tìm mua sữa trẻ em, băng vệ sinh.

Do tài chính của Trung và CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội có hạn nên để nhận lời giúp một ai đó là phải cân nhắc rất kỹ, và chỉ giúp khi người đó đang ở trạng thái cùng quẫn. Hơn nữa, đối tượng cầu cứu phải được người có uy tín giới thiệu. Bởi từng có tiền lệ, CLB mở lòng cưu mang giúp đỡ một cô gái sinh con khi không nơi nương tựa, sau này bạn cô gái ấy lại lạm dùng lòng tốt của mọi người.

Đúng nghĩa, Trung sẽ dang tay ra che chở cho những người phụ nữ bị bạo hành đang đi trốn. Để tránh sự truy đuổi của người thân nên yêu cầu khi tới ở ngôi nhà chung là hạn chế/không dùng điện thoại. Không liên lạc với người thân hay bạn bè, không dùng mạng xã hội... cho đến khi thoát khỏi nguy hiểm, mẹ tròn con vuông, có công việc có thể tự nuôi con. Cho nên ngôi nhà chung hạn chế tối đa việc người lạ tới. Và nếu người lạ muốn đến phải có người trong CLB đi cùng. Tuyệt đối không ai được phép tự đến thăm nhằm giữ an toàn cho những người phụ nữ và trẻ em đang lánh nạn ở đây. Kể cả việc chụp ảnh cũng bị hạn chế và phải che mặt các cô gái ở đó.

Ai cũng cần có trách nhiệm với cuộc sống

Phải nhấn mạnh rằng đa phần kinh phí hoạt động từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh éo le chính là... tiền túi của Trung và những người tham gia CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội. Ít ai biết Trung là một Tiến sĩ Sinh học, anh hiện là Giám đốc một công ty chuyên nghiên cứu về Gen. Anh không hô hào, kêu gọi ủng hộ ầm ĩ, quan điểm của anh thì từ thiện là việc tế nhị, việc anh làm, mọi người thấy và tin tưởng nên nhờ cậy hoặc cùng tham gia. Anh cũng không xin tài trợ khắp nơi, bởi nếu nhận tài trợ lớn từ một đơn vị thì CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội sẽ phải mang “màu cờ sắc áo” của công ty nào đó, gán thêm những tôn chỉ mục đích, quan trọng nhất nếu người cần cứu trợ đang trong tình trạng khẩn cấp thì rất khó có tiền thanh toán ngay. Dùng tiền chính mình đi từ thiện sẽ cho Trung quyền quyết định nhanh hơn, chủ động hơn, chỉ là cuộc sống bận rộn quá, luôn phải cân bằng nó.

Tất nhiên, không phải lần cứu trợ nào của Trung đối với những người phụ nữ bị bạo hành cũng có một kết quả tốt cho họ. Việc xảy ra những trường hợp bạo hành phụ nữ tại Việt Nam, theo Trung đó là do dân trí thấp. Cả người bạo hành lẫn người bị bạo hành đôi khi không ý thức được cái họ gây ra, cái họ chịu đựng. Đã có trường hợp một người phụ nữ 20 năm bị chồng bạo hành nhưng không đủ can đảm đi tìm cuộc sống mới, có trường hợp người vợ trẻ bị chồng bạo dâm nhưng kể ra không ai tin... Cần người giúp đỡ đã đành, chính người phụ nữ phải nỗ lực vượt khó nữa. Trung nhận thấy, người phụ nữ nào cũng cần duy trì sự kết nối, chia sẻ với gia đình, bạn bè để trong lòng họ vơi bớt những nặng nề.

Hoạt động thiện nguyện đã lâu, nhưng chỉ một năm nay các hoạt động của CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội mới được công khai trên Facebook là bởi Trung nghĩ: “Nếu cứ âm thầm đi giúp thiên hạ thì mình chỉ là người đi dọn dẹp hậu quả của xã hội mà thôi. Người ta sai lầm, mình đi sửa hộ, làm sao đủ sức, sức đến bao giờ?”.

Trung đăng tải các hoạt động của CLB với mong muốn thay đổi nhận thức nhiều người và việc ấy được nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí có những người không giúp đỡ nhưng cứ hỏi bằng được địa chỉ ngôi nhà chung chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò cá nhân. Trong khi các cô gái đến sống ở ngôi nhà chung cần được yên bình sau khổ sở.

Một số “cư dân mạng” dè bỉu chúng nó (những người mang thai ngoài ý muốn) ngu thì tự chịu, nhưng theo Trung không nên nói như vậy, bởi là con người nên có cả cái tình người nữa, sao có thể đành lòng để một đứa trẻ yểu mệnh và để phụ nữ bơ vơ. Một số người lại thắc mắc, cũng đẻ con mà có trầm cảm đâu. Trong khi sức chịu đựng của mỗi người trước một biến cố là khác nhau. Cộng đồng nếu có thể hãy giúp đỡ, nếu không thì cũng không nên làm tổn thương hơn những người phụ nữ đã chịu nhiều đắng cay.

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.