Hội Liên hiệp Phụ nữ Cần Thơ đang phối hợp với Trung tâm chính sách nhân quyền Liên Hợp Quốc Hàn Quốc (Kocun) triển khai dự án "Việt - Hàn chung tay chăm sóc" với kinh phí 11,4 tỷ đồng. "Nhiều hoạt động của dự án hướng đến các cô dâu hồi hương, con lai đang gặp khó khăn tại TP Cần Thơ và các tỉnh miền Tây", bà Võ Kim Thoa, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ nói.
Văn phòng tư vấn pháp lý Việt - Hàn đầu tiên tại Việt Nam sẽ được mở tại Cần Thơ để giải quyết khó khăn về pháp luật, kinh tế, tâm lý mà cô dâu Việt kết hôn di trú và trẻ em lai gặp phải. Đồng thời, mở lớp Hàn ngữ miễn phí cho gia đình đa văn hóa Việt - Hàn; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ khởi nghiệp giúp phụ nữ hồi hương tự chủ trong cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, một thư viện Việt - Hàn được thành lập dành cho con lai tự do vui chơi, nâng cao khả năng cảm thụ đa văn hoá, là không gian kết nối cho trẻ hòa nhập cộng đồng…
Từ năm 2005-2015, Cần Thơ có gần 73.000 trường hợp lấy chồng Hàn Quốc. Trong đó, gần 15.000 trường hợp ly hôn và đang gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn do khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, không hợp tính cách chồng, bị ngược đãi, hành hạ...
"Khảo sát đối với phụ nữ kết hôn chuẩn bị đi Hàn Quốc cho thấy trước khi cưới, hơn 70% các cô gái quê chỉ gặp chồng 1-2 lần; hơn 21% gặp mặt chồng 3-4 lần và hơn 8% gặp chồng trên 5 lần", bà Thảo nói.
Rất nhiều cô dâu Việt trở về quê mặc cảm, bị dị nghị nên gửi con lại cho ông bà ngoại nuôi, còn mình thì lên các thành phố lớn tìm việc. Nhiều bé con lai theo mẹ gặp khó khăn về cư trú, giáo dục và y tế.
Tại Hậu Giang, từ năm 2004 đến nay có khoảng 14.000 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, đa số là Hàn Quốc. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã giải quyết ly hôn gần 1.000 trường hợp (có 630 cô dâu Việt ly hôn với chồng Hàn Quốc). Hiện có 340 trẻ em là con lai của các cuộc hôn nhân với người nước ngoài theo mẹ về quê ngoại sinh sống.