Kịch bản Đồng Dao Cổ tích được biên kịch O phóng tác dựa trên ý tưởng của tác giả Quyên Trần kể về một cuộc đi lạc vào thế giới siêu thực của 2 chị em Thi Ca và Thi Họa.
Hai chị em Thi Ca và Thi Họa sẽ dẫn người xem bước vào câu chuyện cổ tích thời hiện đại |
Đó là nơi của những nhân vật huyền thoại bị lãng quên. Họ trôi trong không gian vô cùng vô tận đó, mỗi người đều ôm một ẩn ức, một nuối tiếc, một kiêu hãnh, một bất lực, một sức mạnh, và cả sự trong trẻo ngây thơ.... Họ cứ sống như bị treo cùng với đoạn kết của các câu chuyện cổ tích và càng ngày càng bị đẩy dần xa hơn khi mà trẻ con của thời hiện đại quen với những khúc Baby Shark, siêu nhân, công nghệ và sự đủ đầy; khi mà người lớn chìm ngập trong những lo toan thời cuộc đêm đêm không còn cất lên lời ru hay giọng kể trước giờ con đi ngủ... các nhân vật cổ tích đã không còn không gian sống.
Cuộc phiêu lưu của hai chị em mở ra những câu chuyện cổ tích rực rỡ được chính nhân vật kể lại bằng âm nhạc. Mỗi một cuộc gặp gỡ với các nhân vật chính là các câu chuyện được kể lại dưới dạng đồng dao với nhiều thể loại và cách thức biểu đạt khác nhau, qua đó tùy vào từng dạng tính cách của nhân vật mà đưa các bộ môn: Nhảy, Múa, Hát, Nhạc cụ... vào cho phù hợp.
Qua từng bước chân đi lạc ấy của hai chị em, thế giới cổ tích được kể thật sống động và trong trẻo, thức tỉnh lòng người.
Đó là một ông Bụt bất lực trước cả hai thế giới, lang thang khắp chốn đi tìm người để hỏi "Vì sao con khóc?", nhưng trước những đứa trẻ bắt đầu vô cảm, với những đứa trẻ bị bạo ngược, với những đứa trẻ dần trở thành cỗ máy thuận theo sự sắp đặt của người lớn, ông Bụt ngơ ngác hỏi "Vì sao con không khóc?"... Hoặc khi bắt gặp một đứa trẻ khóc tại thế giới cổ tích, phép màu của ông bất lực!
Đó là một Cám bị dày vò bởi cái chết thương tâm của mình. Cám không ác. Cám là kết quả của một phương pháp giáo dục vị kỷ, nhưng Cám có thể là góc khuất nào đó trong mỗi người. Cám giúp chúng ta nhìn ra hố đen của chính mình nhưng cũng đồng thời là niềm khao khát mãnh liệt được hướng về ánh sáng sau những lỗi lầm.
Đó là một trong tứ bất tử Thánh Gióng cô độc trên ngọn núi cao bất lực nhìn đám cháu con mải mê sức mạnh ảo của Ironman mà quên rèn luyện thể lực chính mình.
Đó là đòi hỏi hãy công bằng với cuộc chiến giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh để đặt mọi sự trở về đúng giá trị của nó bởi đoàn kết mới tạo nên sức mạnh vĩ đại nhất.
Đó là một Mai An Tiêm dám nghĩ, dám làm, dám khác biệt, dám đương đầu với khó khăn để bảo vệ sự tự tôn và khẳng định giá trị của bản thân, của lao động, nhưng cũng đồng thời nhắc nhớ về lòng khiêm tốn cũng như mong mỏi về một mái ấm gia đình.
Dù có rất nhiều câu chuyện được kể nhưng sâu thẳm đó chính là nỗi nhớ ngày xưa da diết của các nhân vật cổ tích và mong muốn thông qua hai chị em, kết nối lại với thế giới loài người, kết nối lại với tuổi thơ của người lớn cũng như giấc mơ của những đứa trẻ.
Vở nhạc kịch lấy nhân vật Thánh Gióng là nhân vật truyền cảm hứng. Đây là kiểu nhân vật điển hình trong tích cổ với đặc điểm về ngoại hình, xuất thân, tính cách, lời nói và hành động thể hiện ước mơ về một vị anh hùng được nuôi dưỡng từ nhân dân, mang tinh thần, sức mạnh phi thường và ý chí lớn lao của dân tộc.
Chọn hình tượng Thánh Gióng thực sự là một thách thức lớn với ekip, đặc biệt là khâu tạo hình bởi vị Thánh của nhân dân mang rất nhiều kỳ vọng và trí tưởng tượng cũng như sự tôn thờ, trước đó cũng chưa từng có hình ảnh mang tính đại diện chính thống dù Thánh Gióng có rất nhiều nơi tạc tượng hay diễn họa. Vở kịch bám sát vào câu chuyện gốc cùng những nghiên cứu về thời đại xuất thân gắn với các hoa văn, dấu ấn đặc trưng của thời kỳ mà Thánh Gióng xuất hiện.
Chọn Thánh Gióng là một nhân vật biểu trưng cho sức mạnh của nội lực, sức mạnh được hun đúc bởi ý chí dân tộc với mong muốn mang tới một sự khích lệ và luồng cảm hứng tươi mới tới lớp trẻ về một hình tượng hoàn toàn xứng đáng thay vì các siêu anh hùng Marvel đang thống lĩnh giấc mơ của những bé trai thời hiện đại.
Hiện rất nhiều nơi nhân dân lập đền thờ Thánh Gióng, nhưng là để tỏ lòng biết ơn về một người anh hùng giúp dân chống giặc. Thông qua vở nhạc kịch, đội ngũ "nếp núc" phía sau mong muốn vị Thánh ấy có cơ hội bước ra khỏi những ngôi đền thiêng để gần gũi với dân mình hơn, như cách ngài được sinh ra bởi dấu chân từ lòng đất mẹ.
Sức hút không nhỏ, hứa hẹn tạo nên mảng màu đặc biệt không thể nhầm lẫn giữa “Đồng Dao Cổ Tích” với các vở nhạc kịch khác là âm nhạc. Cả người lớn và trẻ em sẽ được chìm đắm trong một không gian âm nhạc hết đỗi thân thương, ngọt ngào với chất liệu chủ đạo là âm nhạc truyền thống cùng sự tham gia xuyên suốt của các nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc. Vở nhạc kịch sẽ đưa bạn trở lại tuổi ấu thơ hồn nhiên trong trẻo bằng những bài đồng dao, những làn điệu dân ca và cả những sáng tác hoàn toàn mới vô cùng đặc sắc được biên soạn riêng cho vở diễn. Âm nhạc sẽ không chỉ giúp bạn thăng hoa, vỡ oà trong từng cung bậc cảm xúc của các nhân vật mà còn là một hành trình khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tinh thần hướng về cội nguồn.
Nhạc kịch Đồng Dao Cổ Tích là một chương trình được đầu tư rất lớn của FFC Group và được triển khai thực hiện bởi Trung tâm Đào tạo & Nghệ thuật FFC. Với sự tham gia của dàn diễn viên, ca sĩ và nhạc sĩ được lựa chọn bởi chuyên môn và tình yêu, vở nhạc kịch Đồng Dao Cổ Tích chắc chắn sẽ là một món quà đặc biệt nhất dành tặng vào dịp Trung thu, Giáng sinh và Tết đoàn viên 2023.
Còn 3 ngày nữa cho cơ hội trở thành diễn viên của vở nhạc kịch Đồng Dao Cổ Tích:
QUYỀN LỢI HẤP DẪN DÀNH CHO CÁC DIỄN VIÊN:
1. Quyền lợi của diễn viên chính
+ Được đào tạo bài bản, hoàn toàn miễn phí về diễn xuất, vũ đạo, âm nhạc, ảo thuật để hoàn thành vai diễn.
+ Được nhận cát-xê cho mỗi đêm diễn
+ Được tặng 1 vé cho mỗi đêm diễn
+ Chứng nhận đặc biệt dành cho diễn viên chính.
+ Quà lưu niệm của chương trình.
+ Ấn phẩm truyện tranh đặc biệt “Đồng Dao Cổ Tích”
2. Quyền lợi của diễn viên tham gia vai diễn nhân vật đồng hành
+ Được đào tạo bài bản, hoàn toàn miễn phí về diễn xuất, vũ đạo, âm nhạc, ảo thuật để hoàn thành vai diễn.
+ Được nhận cát-xê cho mỗi đêm diễn
+ Chứng nhận dành cho diễn viên tham gia chương trình.
+ Quà lưu niệm của chương trình.
Danh mục quà tặng sẽ liên tục được update trong quá trình BTC làm việc với các đơn vị tài trợ.
Tham khảo về dự án: https://www.ffc.edu.vn/dong-dao-co-tich
Tham khảo về các nhân vật: https://www.ffc.edu.vn/dong-dao-co-tich#nhan-vat
Đăng ký casting: https://www.ffc.edu.vn/dong-dao-co-tich#dang-ky-casting.