Cánh chim đầu đàn
Hơn 14 năm trước, Tập đoàn TH bắt đầu đầu tư vào huyện Nghĩa Đàn với dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch TH true MILK. Dự án do Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á tư vấn đầu tư, và Afimilk - Công ty hàng đầu Israel về công nghệ chăn nuôi bò sữa tư vấn chuyển giao công nghệ. Dự án bắt đầu từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, tổng diện tích dự án hơn 37.000 ha.
Năm 2020, Trang trại TH đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Records Union) chứng nhận đạt kỷ lục “Cụm trang trại chăn nuôi và chế biến sữa công nghệ cao khép kín lớn nhất thế giới.”
Từ dự án đầu tiên ấy, hơn 14 năm trôi qua, trên mảnh đất Nghĩa Đàn giờ đây đã hình thành một nhà máy sữa hiện đại to lớn với diện tích xây dựng 5,2 hecta, công suất lên tới hơn 1 triệu lít sữa/ngày, cùng hệ thống cụm trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại và khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”, với quy mô đàn bò tiệm cận 70 nghìn con (diện tích quy hoạch sử dụng 8.100 ha).
Sau thành công của dự án đầu tiên ấy, hàng loạt các dự án khác của TH được thực hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn trong những năm tiếp theo.
Năm 2013, dự án rau sạch FVF của Tập đoàn TH được triển khai và sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap với những quy trình sản xuất, chăm sóc và quản lý nghiêm ngặt. Từ dự án, hơn 100 loại rau, củ quả được đưa ra thị trường và được người tiêu dùng nhiệt liệt đón nhận.
Năm 2015, Công ty cổ phần Dược liệu TH (TH Herbals, JSC) chính thức đi vào hoạt động và ra mắt sản phẩm tại thị trường Mỹ cũng như tại thị trường Việt Nam.
Bộ sản phẩm trà thảo dược túi lọc TH true HERBAL |
Tháng 8/2017, tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Tập đoàn TH đã tiến hành xây dựng Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên. Từ tháng 12/2018, những sản phẩm từ nhà máy đã được giới thiệu ra thị trường như nước tinh khiết TH true WATER, các loại đồ uống tốt cho sức khỏe như trà tự nhiên TH true TEA, nước uống trái cây tự nhiên TH true JUICE, nước gạo rang TH true RICE không đường tinh luyện,...
Bên cạnh việc phát triển các dự án thực phẩm, đồ uống trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, Tập đoàn TH còn đầu tư vào các nhà máy khác trên địa bàn như Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An, Nhà máy Mía đường Nghệ An (NASU).
Ông Phạm Chí Kiên, Bí thư Huyện uỷ Nghĩa Đàn chia sẻ, sau hơn 1 thập kỷ từ khi các nhà máy của Tập đoàn TH được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, huyện Nghĩa Đàn đã "thay da đổi thịt". Từ một vùng đất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 23% thì đến nay số hộ nghèo của huyện Nghĩa Đàn theo chuẩn tiếp cận đa chiều chỉ còn 6,4%. Bên cạnh đó, các dự án của Tập đoàn TH cũng đã góp phần tạo ra sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện Nghĩa Đàn.
“Với việc áp dụng việc liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các trang trại, nhà máy của TH để phục vụ chăn nuôi bò sữa hay sản xuất đường NASU, người nông dân Nghĩa Đàn có việc làm ổn định và thu nhập ngày càng cao, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện”, ông Kiên cho biết.
Không những biến Nghĩa Đàn trở thành một vùng trung tâm phát triển nông nghiệp của Nghệ An, các dự án của Tập đoàn TH còn góp phần tôn tạo vẻ đẹp cho vùng đất này.
Ði dọc con đường Hồ Chí Minh hôm nay, ai cũng có thể nhận thấy sự thay đổi của vùng đất đỏ bazan Nghĩa Ðàn với những cánh đồng cỏ Mombasa có diện tích lên tới 2.230 ha; hay những vùng nguyên liệu trồng ngô, hoa hướng dương trải dài bát ngát; những nhà máy, trạng trại quy mô, bề thế với các thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ cao đang vận hành.
Tiên phong áp dụng mô hình “kinh tế tuần hoàn”
Bên cạnh việc đóng vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế địa phương, Tập đoàn TH cũng đi tiên phong trong việc xây dựng, phát triển mô hình “kinh tế tuần hoàn” tại tỉnh Nghệ An thông qua các dự án của mình.
Năm 2009, thời điểm khái niệm “kinh tế tuần hoàn” vẫn còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam thì Tập đoàn TH đã triển khai dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch tại huyện Nghĩa Đàn theo một chuỗi sản xuất khép kín, một vòng tuần hoàn “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch”.
Tập đoàn TH đã áp dụng một quy trình sản xuất khép kín "Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch” để cho ra đời dòng sữa tươi sạch TH true MILK đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, mát lành, từ đồng đất Việt Nam.
Theo đó, tại các trang trại của Tập đoàn TH, “phế phẩm đầu ra của công đoạn này có thể trở thành tài nguyên đầu vào của công đoạn khác”. Thay vì thải bỏ, nhiều tài nguyên được "tuần hoàn" để tiếp tục tạo ra các giá trị mới, qua đó giảm khai thác tài nguyên, giảm phát thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiên nhiên.
Đơn cử như tại nhà máy xử lý nước thải của Tập đoàn TH, có một lượng lớn “bùn sinh học hoạt tính” được thu hồi sau quá trình xử lý. Đây chính là phần dinh dưỡng, khoáng chất trong nước thải được vi sinh hấp thụ và tồn tại ở dạng rắn. Số “bùn sinh học hoạt tính” này sau khi được tách nước và vận chuyển tới nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sẽ trở thành nguồn vật chất hữu cơ có độ dinh dưỡng cao, dễ phân hủy và đáp ứng được các yêu cầu để sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao.
Bên cạnh đó, quá trình xử lý nước thải tại nhà máy còn tạo ra khí biogas, lượng khí này được tái tạo thành điện năng quay trở lại phục vụ cho các nhà máy hoạt động.
Tương tự, các chất thải từ gia súc tại trang trại bò sữa của Tập đoàn TH đều được xử lý trở thành nguồn tài nguyên hữu dụng. Cụ thể, sau khi được thu gom, chất thải sẽ qua các công đoạn phân loại, phối trộn, ủ chín để thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và sản xuất phân bón hữu cơ. Phân bón hữu cơ, chất đệm sinh học, nước phân qua xử lý trở thành “đầu vào” của vòng tuần hoàn mới, trở lại đồng ruộng, phục vụ hoạt động của trang trại. Những công đoạn xử lý tuần hoàn trong trang trại của Tập đoàn TH đều được ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo tính hiệu quả.
Năm 2020, Tập đoàn TH triển khai lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên các mái chuồng trại và nhà máy (hiện đã lắp tại 5 trong số 9 trang trại, lắp tại nhà máy sữa TH, nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên). Việc lắp đặt các tấm pin vừa sản xuất ra nguồn điện “xanh”, vừa góp phần hạn chế quá trình hấp thu nhiệt, từ đó giảm nhiệt cho các chuồng nuôi.
Riêng năm 2022, trang trại bò sữa ở Nghệ An đã sản xuất ra hơn 11 tỷ tiền điện từ năng lượng mặt trời. |
Việc áp dụng mô hình “kinh tế tuần hoàn” không chỉ mang lại hiệu quả cho các dự án của Tập đoàn TH mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên; mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân địa phương.
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nhấn mạnh (trong Báo cáo Phát triển Bền vững của Tập đoàn): “Bằng việc tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 một cách mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp và chế biến cùng khoa học quản trị theo chuỗi, Tập đoàn TH đã xây dựng một mô hình nông nghiệp điển hình gắn với phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dẫn lối, định hình cho nền nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung”.
Dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong vòng 1 thập kỷ qua, nữ doanh nhân Thái Hương vẫn thừa nhận, con đường Tập đoàn TH đang bước đi vẫn còn rất dài. Để phát triển bền vững, hình thành nền “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, đó không phải là những điều có thể đạt được trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, đó là con đường mà TH đã, đang và sẽ luôn lựa chọn. Một “con đường gian khó nhưng đầy kiêu hãnh và ngọt ngào”.
“Tương lai sẽ còn nhiều đổi thay, bất định, nhưng phát triển bền vững là cam kết mà TH kiên tâm theo đuổi trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Chúng tôi quyết gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái, sự đa dạng của tự nhiên, nhằm mang lại những sản phẩm tốt nhất từ những đồng đất mà chúng tôi đặt chân tới. Đó là những ly sữa tươi sạch chất lượng quốc tế, là những sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe, là những thảo dược được hồi sinh dưới tán rừng, là những sản phẩm thực phẩm tươi, ngon, bổ dưỡng… Đó là những sản phẩm, dịch vụ mang lại “Hạnh phúc đích thực” cho con người, thiên nhiên, không chỉ cho hiện tại, mà còn cho thế hệ tương lai vững bền về sau”, nhà sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ.