Vốn tiền tỷ, bán mấy chục triệu
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo bán thỏa thuận cổ phần của SCIC tại CTCP Điện ảnh Cần Thơ với một mức giá thấp chưa từng thấy trên thị trường chứng khoán.
Theo công bố, SCIC sẽ đưa ra bán đấu giá 15.503 cổ phần, giá khởi điểm: 2.600 đồng/cổ phần. Đây là mức giá thấp chưa từng có bởi mệnh giá của mỗi cổ phần Điện ảnh Cần Thơ là 100.000 đồng/cp, chứ không phải mức mệnh giá 10.000 đồng/cp như thông thường.
Điều đó có nghĩa là, nếu quy về mức mệnh giá 10.000 đồng/cp, thì mỗi cổ phần của Điện ảnh Cần Thơ được chào bán chỉ 260 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức giá thấp kỷ lục 500 đồng/cp mà SCIC từng có lần nhắc tới.
Hiện tại, Điện ảnh Cần Thơ có vốn điều lệ hơn 6,2 tỷ đồng, trong đó SCIC nắm giữ 24,9%, tương đương hơn 1,55 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu bán thành công với mức giá mà SCIC vừa đưa ra thì đơn vị quản lý vốn nhà nước này chỉ thu về được khoảng 40 triệu đồng.
Nhà đầu tư bỏ ra số tiền chưa tới 2.000 USD có thể sở hữu gần 25% vốn điều lệ của Điện ảnh Cần Thơ, một doanh nghiệp có thời gian dài khá nổi tiếng về phát hành phim và chiếu phim... Hiện Điện ảnh Cần Thơ chiếu tại 2 vị trí là Rạp chiếu phim Ninh Kiều và Nhà hát Tây Đô.
Dự kiến, toàn bộ số cổ phần của SCIC sẽ được bán theo phương thức thỏa thuận kể từ 11/9 đến 20/9. Nhà đầu tư có nhu cầu phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán của SCIC và đặt cọc bằng 50% giá trị tổng số cổ phần đăng ký mua, tương đương khoảng 20 triệu đồng.
Trước đó, SCIC đã đưa 15.503 cổ phần Điện ảnh Cần Thơ ra bán đấu giá nhưng không bán được.
Trong quá khứ, SCIC từng thừa nhận có doanh nghiệp phải bán với giá 500 đồng/cp do kinh doanh thua lỗ, giá trị cổ phần không đạt được mệnh giá và giá trị giao dịch rất thấp.
Nhiều doanh nghiệp được đưa ra bán nhưng nhà đầu tư không tham gia ngay từ đầu mà chỉ tham gia vòng 3 để hưởng cơ chế giảm giá mỗi lần 10%. Điều này làm cho việc bán vốn thu về giá trị không cao và thời gian bán vốn kéo dài.
Quyết liệt thoái vốn: Đừng tiếc
Hoạt động thoái vốn của SCIC trong gần một thập kỷ qua gặp rất nhiều khó khăn, từ cơ chế chính sách bán vốn phải trên mệnh giá, không được lỗ,... rồi tính giá thuê đất vào giá bán. Nhưng giờ đây, nhiều chính sách đã được sửa đổi, tạo sự thông thoáng.
Trong vài năm gần đây, SCIC đã hoạt động tốt hơn. Doanh nghiệp này báo lãi 7,5 ngàn tỷ đồng và có 30 ngàn tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Trong năm 2016, SCIC cũng đã đấu giá thành công 5,4% cổ phần tại Vinamilk, thu về khoảng 500 triệu USD, gấp 28 lần so với giá vốn.
Nhiều doanh nghiệp tiếp tục được thoái vốn |
Theo kế hoạch, SCIC sẽ nhận hơn 1,1 ngàn tỷ đồng trong tổng số khoảng 2,9 ngàn tỷ đồng từ tiền Vinamilk tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2017. SCIC đang có kế hoạch bán tiếp cổ phần Vinamilk, dự kiến đợt này bán hơn 3% với mức giá khoảng 154.000 đồng/cp (theo Reuters), thu về hơn 7,4 ngàn tỷ đồng.
Nhìn vào hoạt động của SCIC gần đây có thể thấy, tổng công ty này có rất nhiều cổ phiếu của DN thuộc dạng “gà đẻ trứng vàng” trên TTCK. SCIC đã thoái vốn khá thành công tại VNM và vẫn đẩy mạnh kế hoạch thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp hấp dẫn như: Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP), FPT, FPT Telecom,... Giới đầu tư nước ngoài cũng đang xếp hàng chờ mua cổ phần của các DN này.
SCIC cũng bán khá thành công cổ phần tại khách sạn Kim Liên - Hà Nội cho tư nhân, thu về cả ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, SCIC còn nắm nhiều DN mà thoái vốn rất khó khăn do làm ăn thua lỗ, giống như trường hợp Điện ảnh Cần Thơ... Với cơ chế thông thoáng hơn, SCIC đang đẩy mạnh thoái vốn ở cả các DN yếu kém, làm ăn thua lỗ.
Trên thực tế, việc bán cổ phiếu ở mức giá “rau dưa trà đá” cũng là bình thường và nó thể hiện tính chất thị trường của giao dịch. Rất nhiều DN từng chấp nhận bán cổ phiếu của DN yếu kém với giá bèo, như: Vận tải Vinaconex bán với giá chưa tới 3.000 đồng. Gần đây, sau Xi măng HB, đến lượt MBKE thoái vốn khỏi Beton 6 (BT6) với giá 5.000 đồng/cp...
SCIC vẫn có lãi lớn nhờ đang sở hữu cổ phần của nhiều DN hàng đầu tại Việt Nam. Chỉ cần bán “được giá” một lượng cổ phần nhỏ tại các DN hàng đầu như Vinamilk thì SCIC có thể bù đắp cho những cú thoái vốn không mong muốn, với giá cổ phiếu quá bèo bọt như trường hợp của Điện ảnh Cần Thơ.
Quá trình cổ phần hóa là tất yếu. Nó giúp chuyển đổi các DNNN yếu kém trở thành các DN cổ phần hoạt động tích cực và minh bạch hơn trên TTCK. Kể cả trường hợp bán cổ phần cho nước ngoài cũng là biện pháp mang tiền về cho nền kinh tế, giúp DN tiếp cận được những đối tác có kinh nghiệm.
Mặc dù vậy, các DN được bán ra có hay không có những lợi thế về đất vàng, có thương hiệu trị giá hay không,... Các báo cáo được công bố có rộng rãi và đây đủ hay không. Sự minh bạch trong mỗi giao dịch là điều mà giới đầu tư mong mỏi.
Theo Vietnamnet