“Bạn không học thì người khác sẽ kiếm tiền thay bạn”, “bước chậm dẫn đến tiến bộ chậm”, “cơ hội biến mất chỉ sau ba tháng".
Kể từ khi ra mắt ChatGPT của OpenAI vào năm 2022, trên đây là một trong hàng loạt khẩu hiệu đã được sử dụng rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc để quảng bá các khóa học trực tuyến cung cấp đào tạo và kiến thức chuyên môn trong việc tận dụng AI tạo sinh.
Tận dụng nỗi lo bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, nhiều doanh nhân bắt đầu cung cấp các khóa đào tạo trên các nền tảng thương mại điện tử ngay sau sự ra đời của những ứng dụng AI phổ biến như: Midjourney, Pika và ChatGPT.
Mọi thứ càng trở nên "nóng sốt" hơn khi công ty OpenAI giới thiệu Sora, ứng dụng tạo video từ văn bản. Một số doanh nghiệp tại Trung Quốc thậm chí còn hứa hẹn cung cấp thông tin truy cập Sora có tính phí, thu hút khách hàng trả tiền để cập nhật qua nhóm WeChat.
Chỉ cần nhập từ khóa “lớp học AI” trên Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, đã có hơn 4.000 sản phẩm liên quan. Trong khi trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, các nội dung liên quan đến AI được cung cấp với mức giá từ 99 đến 999 nhân dân tệ (14 - 139 USD).
Các khóa học chủ yếu có các video hướng dẫn về các ứng dụng AI tạo sinh, giảng dạy các kỹ năng như chỉnh sửa video, thiết kế sản phẩm và cách học tập hiệu quả bằng các công cụ AI.
Phản ứng dây chuyền
Nhưng thị trường đào tạo về AI đang ngày càng bị công chúng giám sát chặt chẽ, đặc biệt là sau các hoạt động tiếp thị gây tranh cãi của Li Yizhou, một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục AI trực tuyến.
Nhiều người cáo buộc Li lợi dụng sự lo lắng của người tiêu dùng bằng những lời hứa hẹn quá mức về lợi nhuận dễ dàng từ AI, đồng thời đặt câu hỏi về chất lượng và độ tin cậy của các khóa học của ông.
Trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về các tiêu chuẩn đạo đức và giáo dục của các chương trình đào tạo AI ở Trung Quốc, những người trong ngành đang nhấn mạnh những khó khăn trong việc duy trì chất lượng và trách nhiệm trong thị trường giáo dục AI.
Làn sóng chỉ trích Li Yizhou bắt đầu bằng một tấm ảnh chế so sánh ông Li với Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI. Nội dung bức ảnh ví Li và Altman là “hai gã khổng lồ AI”, một ở Trung Quốc và một ở Mỹ.
Ngay sau đó, cụm từ khóa “kinh doanh lưu lượng của cố vấn AI Li Yizhou” đã thu hút hơn 3,3 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo. Một người dùng Weibo bình luận: “Ông ta chỉ giỏi tạo vỏ bọc và gây tiếng vang, tạo ra sự lo lắng như: 'Nếu bạn không học AI hôm nay, AI sẽ giết bạn vào ngày mai'".
Li Yizhou quảng bá một khóa học AI trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone |
Phản ứng dữ dội sau đó tập trung vào chất lượng các khóa học và uy tín của Li. Nhiều người nhấn mạnh rằng mặc dù Li tự hào có bằng tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, chuyên môn của ông là thiết kế nghệ thuật chứ không phải AI.
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi các nền tảng như WeChat và Douyin tiến hành loại bỏ các lớp học của Li. WeChat trích dẫn việc “vi phạm các quy tắc” khiến tài khoản của Li bị đình chỉ.
“Tôi đang biên soạn nội dung tương ứng và sự việc đã bị hiểu lầm và phóng đại”, ông Li giải thích trên trang Jiemian News.
Một trong những lớp học bán chạy nhất của Li mang tên: “Trí tuệ nhân tạo cho mọi người”, nhắm đến người mới bắt đầu và đã tạo ra doanh thu khoảng 50 triệu nhân dân tệ cho 40 video có giá 199 nhân dân tệ/video.
Khóa học tập trung vào các hướng dẫn thực tế để sử dụng các ứng dụng AI tạo sinh trong các tình huống hàng ngày thay vì các lý thuyết hoặc công nghệ AI.
Ông Li cũng cung cấp một khóa học cao cấp với giá 1.980 nhân dân tệ cho “Yizhou Intelligence”, một nền tảng chỉ dành cho thành viên với nhiều công cụ và dịch vụ AI tạo sinh khác nhau, có giá từ 39 nhân dân tệ đến 399 nhân dân tệ sau thời gian dùng thử miễn phí.
Liang Houliang, người đã mua khóa đào tạo AI của Li vào năm ngoái, cho biết nó chỉ cung cấp kiến thức cơ bản. Mặc dù vậy, Liang thừa nhận rằng khóa học này tỏ ra hữu ích trong việc học các kỹ năng AI thực tế hơn.
“Quả thực, ông ấy đã kiếm tiền từ nỗi sợ hãi và lo lắng của nhiều người", Liang nói. “Nhưng nếu không có người làm việc đó, nhiều người sẽ không chú ý đến những công cụ này và sử dụng chúng để cải thiện bản thân và tạo ra những thay đổi thực sự".
Tuần trước, LiblibAI, một cộng đồng chia sẻ mô hình AI nổi tiếng, cho biết họ đã có hành động pháp lý chống lại Li vì sử dụng trái phép khoảng 100 mô hình AI trên cơ sở dữ liệu của Yizhou Intelligence. Trên mạng xã hội, Li cũng bị cáo buộc vi phạm bản quyền.
Ở Trung Quốc, Li không phải là người có ảnh hưởng duy nhất tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với AI.
Sự bùng nổ trong phát triển công nghệ xung quanh nội dung do AI tạo ra đã chứng kiến một làn sóng những người có ảnh hưởng dựa trên kiến thức mới, mỗi người đưa ra cách tiếp cận độc đáo của riêng mình để bán chương trình đào tạo liên quan đến AI.
Li Shifeng, một người bán các khóa học về Midjourney Stable Diffusions, nhận thấy một nghịch lý trong cơn sốt về AI hiện nay: Mặc dù có thể thấy rõ sự lo lắng khi học, nhưng nhiều người vẫn thiếu hiểu biết về chương trình đào tạo AI cụ thể mà họ muốn học.
“Với nền kinh tế suy thoái trong những năm gần đây, mong muốn học hỏi các kỹ năng và kỹ thuật mới trong xã hội ngày càng tăng. Họ đang tìm mọi cách để giảm bớt lo lắng về sự ổn định tài chính và tương lai của mình", Li Shifeng chỉ ra.
Theo Li Shifeng, việc sử dụng các chiến thuật gây lo lắng và thể hiện thành tích cá nhân là một chiến lược phổ biến trong ngành huấn luyện, được tạo ra để thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội.
Ví dụ: hầu hết các chuyên gia về AI, giống như Li Yizhou, đều tự hào về bằng cấp ấn tượng, liên kết với các trường đại học danh tiếng, các dự án kinh doanh thành công và xuất thân ưu tú. Điều này đã giúp thu hút hàng nghìn người theo dõi, bị cuốn hút vào những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh để đạt được thành công.
Đáp lại trường hợp của Li Yizhou, truyền thông Trung Quốc kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực này và dập tắt những lo ngại liên quan đến AI.
“Chúng ta cần giám sát chặt chẽ hơn, thảo luận nghiêm túc hơn, phổ biến kiến thức tốt hơn và giáo dục toàn diện hơn về AI để duy trì sự tham gia bình tĩnh và chu đáo", trích bài xã luận đăng tải trên tờ Quang Minh Nhật báo.
Li Shifeng khuyến khích sự tương tác liên tục với công nghệ đang phát triển nhanh chóng, cho thấy trải nghiệm trực tiếp là chìa khóa để hiểu được giá trị của AI.
Khi ngành huấn luyện AI tiếp tục phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ, Li nhận thấy cơ hội để các chuyên gia trong ngành suy ngẫm: “Mục tiêu của việc áp dụng AI phải là thu hẹp khoảng cách thông tin chứ không phải để khai thác nó”.