Trào lưu thuê bạn tâm sự của giới trẻ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Áp lực kinh tế và xã hội tại Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng của các ngành dịch vụ độc đáo.
Trào lưu thuê bạn tâm sự của giới trẻ Trung Quốc

Yang, một blogger 27 tuổi ở Bắc Kinh, đã đến cửa hàng nội thất IKEA để gặp khách hàng đầu tiên của mình, một chàng trai trẻ chịu chi 125 nhân dân tệ (hơn 400.000 đồng) một giờ để làm bạn và trò chuyện.

Cô không biết gì về người thuê mình, ngoài việc chàng trai kia muốn có ai đó để nói chuyện. Yang cùng chàng trai kia đi dạo quanh IKEA một lúc trước khi ngồi nói chuyện. Trong hai giờ tiếp theo, người này phàn nàn với Yang về bạn gái của mình.

"Anh ấy sẽ hỏi tôi nghĩ gì từ góc độ phụ nữ. Tôi đoán anh ấy không có bạn nữ để nói chuyện và anh ấy cũng không muốn phàn nàn về bạn gái của mình với bạn bè", Yang chia sẻ. “Giới trẻ ngày càng cô đơn hơn. Một số người rất căng thẳng trong công việc và một số phải chịu áp lực từ chính gia đình họ”.

Giống như Yang, nhiều thanh niên Trung Quốc đang dấn thân vào một ngành dịch vụ đặc biệt: cho thuê thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm tiền.

Đây là sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa cung và cầu. Về phía cung, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, tình trạng sa thải nhân viên và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục đã tạo ra một lượng lớn người có nhiều thời gian và có nhu cầu gia tăng thu nhập. Về phía cầu, áp lực to lớn tại nơi làm việc và xã hội đã thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm những cách mới để trút giận và giải tỏa căng thẳng.

"Nếu bạn trả tiền để có người đi cùng, bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Bạn không cần phải thỏa hiệp như khi ở cùng bạn bè hay gia đình", Yang nói.

Các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc như Douyin và Xiaohongshu đã trở thành nền tảng phổ biến cho các dịch vụ thuê bạn đồng hành. Rất nhiều cư dân mạng bắt đầu đăng quảng cáo của họ vì tò mò và một số đã thành công khi biến nó thành một nghề tay trái.

Yang cho biết tính đến nay cô đã có 7 khách hàng, tất cả đều dưới 35 tuổi. Hầu hết họ đều có công việc căng thẳng và có một ít tiền nhàn rỗi, chẳng hạn như người đàn ông phải liên tục làm hài lòng khách hàng của mình tại nơi làm việc và muốn tự mình trở thành "khách hàng" vào cuối tuần.

Một người đàn ông khác gặp rắc rối với cuộc hôn nhân của mình và yêu cầu Yang trở thành người biết lắng nghe. Một người phụ nữ là một bà mẹ nội trợ đã nhờ Yang đi cùng đến các hoạt động ngẫu nhiên, bao gồm cả việc xem bói vì bạn bè của cô không có thời gian đi chơi với cô.

Công việc hàng ngày của Yang là làm sáng tạo nội dung trên Douyin, giới thiệu các nhà hàng và cửa hàng khác nhau. Yang cho biết công việc làm thêm này sẽ không khiến cô trở nên giàu có, nhưng nó mang lại một nguồn thu nhập kha khá. Để an toàn và đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, cô chỉ gặp họ ở nơi công cộng.

Alaia Zhang, thanh niên thất nghiệp 22 tuổi đến từ Quảng Châu, cũng nhấn mạnh rằng rất nhiều khách hàng tìm đến cô với mục đích để trò chuyện.

Zhang đã đăng tải dịch vụ cho thuê bản thân lên Xiaohongshu được vài tháng. Cô chỉ nhận khách hàng nữ vì lý do an toàn và nói rằng cô muốn trở thành một cố vấn tâm lý trong tương lai.

Khách hàng đầu tiên của cô là một phụ nữ trẻ sống nội tâm, người đã trả tiền để Zhang cùng tham gia một lớp học khiêu vũ. Hầu hết các khách hàng khác đều trả tiền cho cô chỉ để lắng nghe.

“Giới trẻ ngày nay có rất nhiều mối lo, nhưng họ không muốn truyền sự tiêu cực đó cho bạn bè và gia đình hoặc họ không cảm thấy mình có những người đáng tin cậy để chia sẻ điều đó”, Zhang chia sẻ. "Mọi người đều cô đơn, ngay cả tôi cũng cô đơn."

Theo quan điểm của Zhang, giới trẻ ngày nay ít sẵn sàng dành thời gian và công sức để hình thành những mối quan hệ sâu sắc và tin cậy vì họ sợ bị tổn thương.

“Việc trả tiền để một người lạ lắng nghe, trút giận và cảm thấy thoải mái sẽ dễ dàng hơn nhiều. Việc thuê bạn theo giờ nằm giữa liệu pháp tâm lý chuyên nghiệp và việc không nhận được sự giúp đỡ nào cả. Nó mang lại sự thoải mái và bình thường hơn", Zhang nói.

Đặc biệt, ngày càng nhiều người sẵn sàng tìm đến dịch vụ này vì rất nhiều người trẻ quan tâm đến sức khỏe tâm thần của mình nhưng không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ tham vấn tâm lý chuyên nghiệp. Ngoài ra, vẫn còn tâm lý e ngại khi tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý.

Yi Xiang, chủ tiệm massage người mù 30 tuổi đến từ Ôn Châu (Chiết Giang), đã thuê một người bạn đồng hành khi đến thăm Hàng Châu.

Người phụ nữ này đã đưa Yi đi thăm các danh lâm nổi tiếng với giá 200 nhân dân tệ. Cô miêu tả phong cảnh cho anh nghe, giúp anh cảm nhận những chiếc lá trên cây ven hồ và kể về cuộc sống cũng như nguyện vọng của họ.

“Những người bạn không khuyết tật thường sống xa tôi và họ không phải lúc nào cũng có thời gian”, Yi nói. "Việc trả tiền cho dịch vụ này dễ dàng hơn và thật thú vị khi thuê một người lạ đưa tôi đi tham quan. Lần nào tôi cũng có thể gặp một người mới".

Yi cho biết, sự bùng nổ của dịch vụ này có liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và những ảnh hưởng còn sót lại của chính sách một con trước đây.

“Rất nhiều người trẻ thất nghiệp, vì vậy việc họ kiếm thêm tiền là điều hợp lý vì nhu cầu về những dịch vụ như vậy là rất cao. Hầu hết mọi người ngày nay sống trong các căn hộ cao tầng, không giống như cách các gia đình thường giúp đỡ lẫn nhau ở làng", Yi nói.

Xu hướng này cũng đang thu hút giới trẻ Trung Quốc ở nước ngoài. Cindy Lu, 31 tuổi, nhiếp ảnh gia tự do ở Toronto (Canada), đã nhận khách hàng nữ từ tháng 8 năm ngoái.

Hầu hết khách hàng của cô là du học sinh Trung Quốc. Lu kể lại rằng một người mẹ ở Trung Quốc đại lục đã tìm thấy cô trên Xiaohongshu và nhờ Lu đưa con gái đi ăn tối nhân dịp sinh nhật thứ 18 của cô bé, vốn là học sinh của một trường nội trú tư thục và rất buồn vì bị bạn bè bắt nạt.

“Nhiều du học sinh bị căng thẳng về trường học và nghề nghiệp, họ gặp khó khăn trong việc hòa nhập nhưng có thể không được tiếp cận với sự trợ giúp chuyên nghiệp", Lu nói.

Theo Sixth Tone
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).