Con tôi là đứa trẻ “yếu thế” trong trường học

(Ngày Nay) - “Con gái tôi bị bạo lực học đường ngay từ những ngày học tiểu học. Tôi cứ nghĩ những ngày đầu đi học, làm quen với lịch học gò bó, những “luật lệ” khuôn khổ, lũ trẻ khóc lóc không chịu đến trường là chuyện thường tình. Nhưng rồi, trong một lần không thể nấn ná ở nhà, con tôi – một đứa trẻ mới 9 tuổi đã xin mẹ được chết… Lúc đó tôi mới nhận ra, trường học là địa ngục với nó”.
Hình minh họa
Hình minh họa

Chị Hạnh, một phụ huynh có con gái đang học lớp 10 ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội kể lại. Quãng thời gian đồng hành cùng con vượt qua nỗi sợ, sự mệt mỏi, căng thẳng, nỗi tự ti… suốt gần chục năm luôn ám ảnh tâm trí vợ chồng chị.

Vết hằn quá khứ

Con gái tôi khá cao lại xinh xắn, nom nó không hề nhỏ bé, yếu đuối như người ta vẫn nghĩ về những đứa trẻ nhỏ thó, hay bị bạn bè trêu đùa, bắt nạt. Nó không bị bạn bè đánh lần nào, trớ trêu thay, “kẻ thù” không đội trời chung với nó là cô giáo. Một cô giáo tuổi trung niên sắp về hưu, thâm niên dạy học thì nhiều mà cách hành xử và “trị” học sinh thì vô cùng “phát xít”, hít le.

Ngày con tôi học lớp 2, trong giờ nghe viết chính tả, con nghịch ngợm quay sang nói chuyện rì rầm với bạn bàn dưới bị cô nhắc nhở. Cô bắt con chép phạt nội quy lớp học 100 lần. 100 lần đó yêu cầu phải viết nắn nót, cấm không được viết ẩu, viết thiếu nét, thiếu dấu... Một trang giấy ô ly vở học sinh chép được 10 lần là kín trang, con phải chép tới 10 trang vở trong một buổi tối. Lẽ ra cô chỉ nên phạt con chép 20-30 lần để nhắc nhở con.

Tối ấy, tôi cứ đi ra đi vào xót ruột vì hình phạt quá hà khắc của cô. Con bé còn quá nhỏ, một buổi tối vừa làm bài tập vừa chép phạt chính tả đương nhiên là không xuể. Tôi mấy lần định bấm máy xin số cô dạy môn văn từ cô giáo chủ nhiệm mà vẫn ngần ngại, đắn đo rồi quyết định để con chép phạt tới mỏi nhừ tay. 2 giờ sáng, mắt bố mẹ chỉ muốn đóng sập vào thì con vẫn cố ngồi bàn, hễ mỏi tay là dừng. Rồi không thể cố được nữa, hết 8 trang, tôi cho con đi ngủ.

Ngày hôm sau đón con gái lúc 5 giờ chiều, tôi thấy nó đứng lấm lét ở góc trường, không một bạn nào vui đùa, nói chuyện bên cạnh. Đôi mắt vô hồn, thậm chí nó không dám nhìn mẹ vì sợ hãi. Gặng hỏi con, tôi mới biết, cô giáo bêu xấu nó trước lớp, thậm chí bảo cả lớp “tránh xa cô Minh Trang vừa hư vừa lười” – cô giáo gọi con tôi là cô Minh Trang, tôi có thể tưởng tượng con gái đứng rúm ró trên bục, trước ánh mắt chì chiết mắng nhiếc của cô và sự ghẻ lạnh của bạn bè. Cả lớp tự động chẳng ai chơi với con tôi, vì không chép phạt đủ bài theo lời cô giáo. Tối về, con tôi đã khóc trong cơn nói mơ, cả đêm nó chỉ nói đi nói lại “Con xin lỗi cô, con xin lỗi bạn…”.

Cô bạn đồng nghiệp kể với tôi, thế là còn nhẹ! Con gái cô ấy học lớp 1, viết chậm viết xấu bị cô giáo tát. Cô tát khá nhiều lần và tát nhiều học sinh trong lớp để chúng vào “khuôn khổ”, rèn chúng vào nền nếp (?!).

Sau đó, ngày nào đi học về tôi cũng tỉ tê hỏi con gái điệp khúc: “Hôm nay cô có giao bài tập gì không? Con có làm gì con không? Ở lớp con có bạn nào bị cô bắt chép phạt 100 trang không, có bị tát không”. Con tôi luôn nói không.

Lên lớp 3, khi cô giáo dạy đọc và viết vẫn là cô giáo cũ, con tôi một mực xin tôi chuyển lớp. Tôi biết con vẫn sợ cô một phép. Từ ngày bị bêu riếu trước lớp, con tôi tự ti lắm, ít nói, ít bạn, không dám ra sân trường giờ ra chơi… Tôi muốn con mạnh mẽ hơn, muốn con dám đối diện với khó khăn nên nhất quyết không đổi lớp.

Bạn cũ, cô giáo cũ, con gái tôi không có gì thay đổi, chỉ chăm chăm học bài, làm bài đầy đủ. Nhưng càng hết năm học, tôi càng thấy con gái nhiều bài tập hơn, có hôm ngồi chép chính tả đến 1-2 giờ sáng vẫn nói chưa xong. Có nhiều hôm không chép xong, mệt quá, nó ngồi khóc vì sợ cô mắng, bố mẹ cho phép đi ngủ nó vẫn nằng nặc ngồi làm. Tôi âm thầm đến gặp cô giáo để phản ánh tình hình quá tải bài vở thì được biết, mỗi ngày đi học, cô giáo chỉ giao về nhà chép 1 bài chính tả thôi, không hề áp lực cho các con.

Tối về gặng hỏi con, tôi choáng váng khi con gái khai ra, mấy bạn “đầu gấu” trong lớp bắt chép bài giúp. Chúng nó hứa, nếu chép chính tả giúp, chúng sẽ không “xa lánh”, sẽ chơi với con tôi và xóa ấn tượng xấu: “Minh Trang vừa hư vừa lười”. Suốt 1 năm ròng, con tôi làm hộ bài tập chính tả cho bạn với nỗi sợ hãi bị bỏ rơi và căng thẳng tột độ nếu không giải quyết hết 5-6 quyển vở của mấy thằng “đầu gấu” trong lớp đưa cho. Tôi nói con trả lại bạn rồi mẹ sẽ đến trường giải quyết, con gái tôi khóc lóc to hơn nhiều lần bị cô giáo phạt. Nó hoảng hốt xin mẹ đừng mách cô giáo, nếu không con sẽ chết!

Hai mẹ con cùng “chiến đấu”

Tôi đã không ngủ cả tuần, kể lại với chồng và loay hoay tìm cách giải quyết. Nếu giờ tôi lên nói với cô giáo chủ nhiệm, thưa với hiệu trưởng và bảo với nhà trường rằng con tôi đang bị bạo lực học đường, đang nguy hiểm… thì có thể dừng vụ việc một cách nhanh chóng. Thậm chí những đứa trẻ “đầu gấu” trong lớp còn bị trừng phạt, chẳng hạn đưa lên kỉ luật toàn trường ngày chào cờ, tạm nghỉ học hoặc viết kiểm điểm… Nhưng lối giải quyết đó cũng dễ đẩy con tôi vào đường cùng, mâu thuẫn giữa những đứa trẻ đó với con gái sẽ dâng cao. Sự ganh ghét, ghẻ lạnh của chúng với con tôi sẽ âm ỉ và bùng phát trở lại ở mức độ trầm trọng hơn trong một ngày nào đó không xa. Tôi không thể nào đi hết chỗ này đến chỗ khác để bảo vệ con gái. Bản thân con gái tôi sẽ luôn nơm nớp trong sự bất an vì bị các bạn “trả thù”.

Tôi đem chuyện nhờ cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ, nhưng hồi ấy, ở trường làng, bạo lực học đường bị xem nhẹ, các cô giáo chỉ an ủi vài câu cho tôi đỡ lo: “Các em học sinh đều hồn nhiên, vô tư, rồi chúng sẽ tự thay đổi khi lớn hơn, biết quan tâm nhau hơn, giờ bé chúng chưa biết gì (?!)”. Tôi đã tới trường, xin gặp hiệu trưởng và nói rõ chuyện con mình. Thầy hỏi con học lớp nào, tôi không trả lời cụ thể mà đề nghị thầy triệu tập cuộc họp giáo viên toàn trường để chấn chỉnh việc bắt nạt học sinh. Sau hôm đó, các cô giáo nghiêm khắc hơn nên lũ trẻ “đầu gấu” bớt bắt nạt công khai các bạn. Nhưng con tôi bị quy tội “mách lẻo”. Nó không phải chép bài hộ các bạn nhưng bị trêu chọc mỗi ngày. Có nhiều ngày, con khóc lóc nhưng không nói bất cứ câu gì với bố mẹ.

Tôi ngẩn người, hôm sau lại lên trường gặp hiệu trưởng. Lần sau tôi nói đích danh lớp nào, cô giáo nào chủ nhiệm. Tình trạng diễn ra cả năm trời mà cô chủ nhiệm không hay biết. Cô giáo bị phạt truất quyền chủ nhiệm để làm gương cho giáo viên toàn trường.

Sau bận đó, dù lớp đã thay chủ nhiệm, tôi vẫn quyết định cho con chuyển trường. Tôi cho con học một trường ở Đống Đa, gần nhà bố mẹ đẻ. Từ một đứa trẻ xinh xắn hay cười, nó đã ít nói, ít tâm sự, ít ra ngoài đường, lầm lì như “tàu điện”. Suốt 1 năm trời chuyển lớp, chuyển trường, con tôi không dám kết bạn với ai. Nó sợ tất cả, tự ti và khép kín. Tôi xin nghỉ một năm để kèm con đến trường. Không phải vì sợ sẽ có bạn nào bắt nạt con tiếp, mà sợ con tôi sẽ tuột dốc không phanh vì những “tổn thương” đã trải qua ở trường cũ. Tôi phải đưa con đi học hàng ngày, nói chuyện với nó, đưa nó đi chơi sau giờ học, khuyến khích con nói nhiều hơn. Tôi ngủ với con hàng ngày, xoa lưng cho nó mỗi khi nó giật thót vì ngủ mơ… Tôi đưa con đến trị liệu tâm lý ở BV Bạch Mai nửa năm liền vì bệnh trầm cảm. Cả nhà tôi căng như dây đàn, mệt mỏi như chăm nuôi một đứa trẻ tự kỷ bẩm sinh.

Chồng tôi hễ thấy chương trình học hè ngoại khóa nào hấp dẫn, năng động là động viên con tham gia. Hè nào hai vợ chồng cũng đưa con đi du lịch để con hòa đồng, cởi mở hơn với mọi người. Vợ chồng tôi cũng hạn chế nhắc đến trường học cũ ở Cổ Nhuế, không nhắc đến cô giáo cũ, hoàn toàn xóa mờ đi khoảng kí ức đen tối ấy của con. Lên cấp 2, rồi cả cấp 3, tôi luôn kết thân với cô giáo chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn, tôi cũng nhận làm trưởng ban phụ huynh để hiểu hơn bố mẹ của các bạn học cùng con gái. Tôi cố gắng tạo ra những sự kiện vui vào dịp đầu năm, trung thu… để bố mẹ và con cái được đến trường, gặp gỡ nhau, thân thiết với nhau hơn. Có bất cứ vấn đề gì xảy ra, tôi đều có thể gặp gỡ các phụ huynh để tìm cách tháo gỡ.

Đó là quãng thời gian vô cùng mệt mỏi. Suốt 4-5 năm sau, con gái tôi mới thực sự thoát khỏi bóng đen bạo lực học đường. Vợ chồng tôi còn quyết định không đẻ đứa thứ hai để dốc toàn tâm toàn sức cho con gái. Tôi nhận ra một điều, ở nơi đâu mà cha mẹ không quan tâm lắm đến vấn đề bạo lực học đường, không nhận thức được thực tế đang xảy ra với con mình trong việc gia nhập cộng đồng, trường lớp… thì bạo lực học đường sẽ trở nên trầm trọng, nguy hiểm hơn.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?