Theo đó, dự án kè bảo vệ dân cư và vùng trọng điểm sản xuất lương thực ven sông Krông Nô (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương hai năm 2019, 2020. Việc triển khai dự án nhằm mục đích chống sạt lở bờ sông Krông Nô, bảo vệ vùng sản xuất lượng thực trọng điểm rộng hàng trăm ha của xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô và giảm thiểu tình trạng sạt lở tại các vị trí xung yếu của bờ sông.
Ba đơn vị trúng thầu thi công hai giai đoạn của dự án là Công ty TNHH Tân Trường Phát (tỉnh Đắk Nông); Công ty cổ phần tập đoàn PUSCO (thành phố Hà Nội) và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh).
Mặc dù đã được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý cho tạm ứng 100% giá trị hợp đồng xây dựng (công văn số 5438/UBND-KTTH ngày 21/10/2020 của UBND tỉnh Đắk Nông, gọi tắt là công văn số 5438 - PV) và hạn định hoàn thành là 31/12/2021 nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng.
Tại công văn số 5438, UBND tỉnh Đắk Nông nêu rõ, đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (từ tháng 5/2022 là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông - PV) chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, các cơ quan liên quan và trước pháp luật về việc tạm ứng và thu hồi tiền tạm ứng, tuyệt đối không để thất thoát hoặc sử dụng kém hiệu quả ngân sách nhà nước.
Công văn của UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu chủ đầu tư phải “lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực triển khai dự án”, “đảm bảo chất lượng công trình, nghiệm thu, thanh toán kịp thời”, và “sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng”…
Theo một số hộ dân và UBND xã Nâm N’Đir, quá trình thi công công trình, các nhà thầu đã làm ảnh hưởng xấu đến đường giao thông trên cánh đồng Nâm N’Đir và một số đoạn, tuyến kênh mương trên cánh đồng. Bên cạnh đó, đối với một số hạng mục đã thi công xong, nhà thầu và các đơn vị liên quan vẫn rất chậm trễ, yếu kém trong hoàn trả mặt bằng. Mặc dù hạn định cuối 2021 phải xong nhưng hiện nay công trình vẫn còn ngổn ngang. Người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng vấn đề nước tưới, đi lại trên cánh đồng trong vụ Đông Xuân tới đây.
Một vị trí đang được thi công hoàn thiện để hoàn thành trong tháng 12/2022. |
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông lý giải rằng, công trình thi công chậm trễ, đến nay vẫn chưa hoàn thành chủ yếu là do các yếu tố khách quan, điển hình là dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Thêm nữa, khu vực thi công lưu lượng nước thay đổi liên tục do mưa lũ và hoạt động điều tiết, phát điện nên nhiều tháng liền đơn vị thi công không thể triển khai công việc. Bên cạnh đó, hơn 50% giá trị gói thầu thi công xây dựng là cừ larsen (ván cọc thép) nên các đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn do giá thép tăng cao và khan hiếm hàng sau thời điểm tạm ứng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ đầu tư đã liên tục đôn đốc, xử phạt nhà thầu vì thi công chậm trễ, không đúng tiến độ. Hiện nay, chủ đầu tư đang yêu cầu các nhà thầu phải tập trung hoàn thành công trình. Trong tháng này (12/2022) mà không hoàn thành sẽ rút vốn tạm ứng, chốt khối lượng và giao lại cho (các) đơn vị khác làm những phần còn lại. Hiện công trình đã hoàn thành được hơn 80%.
Được biết, việc cho nhà thầu tạm ứng 100% giá trị hợp đồng là không đúng quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là tại các Thông tư của Bộ Tài chính (được ban hành trong các năm 2016, 2018) về lĩnh vực này.