Hội đồng điều tra khoa học cấp cao (CSIC) của Tây Ban Nha cho biết hôm Chủ nhật tuần trước: “Phát hiện này lần đầu tiên chứng minh rằng virus cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao đã đến Nam Cực bất chấp khoảng cách và các rào cản tự nhiên ngăn cách nó với các lục địa khác”.
Mầm bệnh cúm gia cầm đã được phát hiện trong nhiều thi thể chim biển skua được các nhà khoa học Argentina tìm thấy gần căn cứ Primavera ở Nam Cực. Đặc biệt, cúm gia cầm đã lây nhiễm tới các cá thể chim cánh cụt gentoo, điều này nêu bật nguy cơ đối với các quần thể chim đa dạng tại Nam Cực.
Bệnh cúm gia cầm H5N1 đã tàn phá quần thể chim trên khắp thế giới trong những tháng gần đây.
CSIC cho biết trong một tuyên bố: “Phân tích đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng những con chim này đã bị nhiễm loại cúm gia cầm H5 và ít nhất một trong số những con chim chết có chứa virus cúm gia cầm có độc lực cao”.
Viện Nam Cực của Argentina hôm thứ Hai cho biết quốc gia Nam Mỹ này đã hợp tác với các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha để kiểm tra các mẫu bệnh phẩm lấy từ những con chim chết được tìm thấy hồi đầu năm gần căn cứ của Argentina.
Hàng trăm nghìn con chim cánh cụt tập trung thành đàn dày đặc trên lục địa Nam Cực và các đảo lân cận, điều này có thể tạo điều kiện cho virus H5N1 dễ dàng lây lan.