Cuộc chiến khẩu trang giữa Nhà nước và địa phương tại Pháp

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng trên toàn thế giới, cuộc chiến giành giật khẩu trang không chỉ diễn ra giữa các quốc gia.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong những ngày gần đây, chiếc khẩu trang đang là đề tài gây nhiều bàn tán, tranh luận, thậm chí là mâu thuẫn tại nước Pháp. Cách đây ít ngày, lãnh đạo một địa phương nước này tố cáo người Mỹ "nẫng tay trên" lô khẩu trang mà người Pháp đặt từ Trung Quốc, ngay tại sân bay Trung Quốc, trước khi máy bay kịp cất cánh đến Pháp như dự kiến. Thì nay, tại Pháp, lại xuất hiện câu chuyện binh sĩ quân đội đến trưng dụng lô hàng khẩu trang vừa mới hạ cánh xuống sân bay tại một địa phương.

Liên quan tới chiếc khẩu trang, chuyện gì đang xảy ra tại Pháp. Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Bộ Y tế nước này luôn khẳng định việc mang khẩu trang chỉ cần thiết với đội ngũ y tế, và chỉ những người bị bệnh mới nên mang khẩu trang, đối với những người khỏe mạnh, chiếc khẩu trang không có tác dụng gì.

Rồi sau đó, tình trạng dịch bệnh lan nhanh trên toàn lãnh thổ, số ca lây nhiễm tăng cấp lũy thừa, số ca tử vong tăng chóng mặt, nước này cuống cuồng đặt hàng khoảng 1 tỷ chiếc khẩu trang từ Trung Quốc, đồng thời thúc giục nhà máy sản xuất khẩu trang trong nước hoạt động hết công suất. 

Lợi ích của việc mang khẩu trang trong phòng SARS-CoV-2 có vẻ ai cũng biết nhưng đến tận ngày 8/4 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Pháp vẫn khẳng định, nước này "có thể" (vẫn chỉ là "có thể") sẽ bắt buộc người dân mang khẩu trang khi ra đường.

Thực tế, chính quyền một số địa phương tại Pháp đã quy định việc mang khẩu là bắt buộc. Một số thành phố như Paris hay Nice đã thông báo phát miễn phí khẩu trang cho người dân để sử dụng, dù chỉ mỗi người 1 chiếc. Tuy nhiên, trong ngày 9/4, Bộ Nội vụ nước này đã yêu cầu các địa phương hủy bỏ quy định bắt buộc người dân mang khẩu trang khi ra đường trong khi lệnh phong tỏa vẫn còn hiệu lực.

Câu hỏi đặt ra, tại sao Chính phủ nước này tỏ ra kiên quyết không cho các địa phương bắt buộc người dân mang khẩu trang. Trong khi "các lý do khoa học" mà Bộ Y tế nước này đưa ra chưa đủ thuyết phục thì phần lớn người dân nhận ra nguyên nhân, đó là nước Pháp đang thiếu khẩu trang trầm trọng. Một thực tế mà Chính phủ dường như cố phủ nhận.

Nước Pháp từng có thời điểm có trữ lượng khẩu trang y tế lớn trong kho dự trữ quốc gia. Năm 2010, cuộc khủng hoảng y tế liên quan dịch cúm H1N1, Bộ trưởng Y tế thời điểm đó là bà Roselyne Bachelot-Narquin đã đặt hàng 1,7 tỷ chiếc khẩu trang. Trong đại dịch cúm năm 2011, số khẩu trang này nhanh chóng trở nên hữu dụng.

Nhưng cũng kể từ đó, nước Pháp không bổ sung kho dự trữ. 9 năm sau, đại dịch Covid-19 tràn đến, nước Pháp lúng túng trông thấy, trong khi nhu cầu khẩu trang hàng tuần là khoảng 50 triệu chiếc nhưng công suất hàng tuần của nhà máy trong nước chưa nổi 7 triệu. Đặt hàng thì cần có thời gian để người Trung Quốc sản xuất, để về đến Pháp đủ 1 tỷ chiếc có lẽ sẽ mất cả vài tháng. Kho khẩu trang quốc gia có thì cạn dần.

Dù lãnh đạo Chính phủ hay Bộ Y tế có nói gì thì người dân Pháp cũng tự nhận thức được tình hình. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới được công bố hôm 9/4, khoảng 70% người dân cho rằng, tất cả các địa phương cần bắt buộc người dân mang khẩu trang, như một biện pháp chống dịch Covid-19 lan rộng.

76% người dân cho rằng chính phủ nước này đã che giấu sự thật là nguồn dự trữ khẩu trang không đủ để cung cấp cho đội ngũ nhân viên y tế (chứ chưa nói đến người dân). Tại các diễn đàn chính trị, Bộ trưởng Y tế hay Thủ tướng Chính phủ hứng chỉ trích gay gắt từ thành viên các đảng đối lập.

Trở lại câu chuyện tranh giành khẩu trang. Sự việc bắt đầu vào những ngày đầu tháng tư, tại sân bay Bâle-Mulhouse (tỉnh Haut-Rhin, vùng Grand-Est). Ngày 2/4, một chiếc máy bay từ Trung Quốc hạ cánh, chở theo số khẩu trang của chính phủ Pháp và các địa phương. Tuy nhiên, cảnh sát trưởng vùng Grand-Est đã quyết định giữ toàn bộ lô hàng này ở lại vùng Grand-Est, không cho chuyển đến các địa phương khác, sau khi đã lấy đi số hàng mà chính phủ đặt cho vùng Grand-Est (đang thiếu thốn trầm trọng) từ các kiện hàng thuộc sở hữu của các địa phương khác.

Ba ngày sau, một chiếc máy bay khác từ Trung Quốc lại hạ cánh, lần này, đến lượt các binh sĩ quân đội đến trưng dụng lô hàng 4 triệu chiếc mới từ Trung Quốc về. Trong đơn hàng này, một phần được giao cho vùng Grand-Est, một phần còn lại đáng lẽ phải được giao cho các vùng Bourgogne-Franche-Comté (liền kề vùng Grand-Est) và tỉnh Bouches-du-Rhône (một tỉnh thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur).

Việc đưa quân đội đến sân bay lấy đi lô khẩu trang vài triệu chiếc, mà đáng ra phải được chuyển đến cơ quan hành chính các địa phương khác, rồi đến tay người dân, đang bị lên án kịch liệt. Ngày 9/4, Chính phủ Pháp đã phải thừa nhận, đây là một biện pháp không phù hợp và hứa sẽ không lặp lại. Đương nhiên, chính phủ nước này cũng phủ nhận sự tồn tại của "một cuộc chiến giành khẩu trang" giữa nhà nước và các địa phương.

Tại mỗi vùng, cơ quan quản lý đều phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ, sự căng thẳng của đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện, các nhân viên chăm sóc người cao tuổi dù ở các cơ sở y tế xã hội. Chủ tịch các vùng đều tìm kiếm các đơn hàng trực tiếp từ Trung Quốc, thay vì trông đợi vào chính phủ.     

Chủ tịch vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, vùng hành chính phía Nam, Renaud Muselier thừa nhận "tất cả đều đặt khẩu trang nhưng không ai muốn nói vì sợ bị nhà nước trưng dụng". Sau vụ việc trưng dụng ồn ào, trước khi có được lời hứa từ Chính phủ, lãnh đạo các địa phương này thậm chí đã "bầy mưu, tính kế" để những lô hàng sắp tới sẽ không hạ cánh xuống vùng Grand-Est nữa.

Lãnh đạo một số địa phương như vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur, còn đòi máy bay chở khẩu trang (do nhiều vùng cùng đặt) phải hạ cánh trực tiếp xuống sân bay Marseille-Provence (sân bay chính của vùng), để không bị mất vào tay các vùng khác. Các địa phương cũng yêu cầu Chính phủ phải có quy định cụ thể, đồng bộ ở tầm quốc gia nhằm giải quyết ổn thỏa số phận của những chiếc khẩu trang, ngay cả khi chúng đã an toàn hạ cánh xuống đất Pháp./.

Theo VOV
TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).