Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự kiến, đơn vị sẽ hoàn thành việc tích hợp chữ ký số công cộng vào 100% dịch vụ công trên môi trường mạng vào cuối năm 2025. Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông chủ động nghiên cứu áp dụng chữ ký số vào càng nhiều dịch vụ của địa phương càng tốt, góp phần thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số của người dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị, người đứng đầu phụ trách công nghệ, công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương tích hợp, kết nối với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (e-Sign) của Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (ngày 24/6/2022). Hàng tháng, Trung tâm tổng hợp kết quả sử dụng các chữ ký số và thông báo cho các địa phương. Đây là cơ sở để các địa phương nắm được tình hình sử dụng chữ ký số, có giải pháp thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số.
Chữ ký số có giá trị tương đương chữ ký tay trực tiếp, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ. Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia xác định, việc tích hợp chữ ký số công cộng vào dịch vụ công là một nhiệm vụ trọng yếu nhằm phát triển dịch vụ, tiến tới thúc đẩy hình thành công dân số.
Năm 2023, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia đã tập trung phát triển các ứng dụng trung gian, hỗ trợ kết nối và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Trung tâm đã tích cực phối hợp với đơn vị cấp chữ ký số (CA) công cộng, Trung tâm Công nghệ thông tin của bộ, ngành và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương để tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng Dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách về chữ ký số, đặc biệt là ứng dụng các dịch vụ tin cậy trong các hoạt động giao dịch điện tử.
Từ ngày 1/7/2024, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ chính thức được áp dụng. Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia đã định hướng phát triển các dịch vụ và ứng dụng hỗ trợ đi kèm nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của giao dịch điện tử nói chung, dịch vụ tin cậy nói riêng.