Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury chủ trì với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội 24 nước trong khu vực.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết khoảng 80% thiên tai xảy ra trên toàn thế giới là do BĐKH. Trong 45 năm qua, 88% người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có 2 triệu người thiệt mạng là nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thiệt hại về kinh tế hơn 1.000 tỷ USD. BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của toàn thế giới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH. Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, vào cuối thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng với kinh nghiệm ứng phó thiên tai, địch họa từ hàng nghìn năm, Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm rất quý về sự đoàn kết.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, TPHCM đã sớm nhận thức được và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép trên nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý nước, nông nghiệp… TPHCM đã tham gia C40 (tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH), tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Trái Đất là ngôi nhà chung. Các nước cần phải tăng cường đoàn kết và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ vững hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Đó chính là mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đã thống nhất thông qua tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.