1. Bánh xèo tôm nhảy
Bánh xèo tôm nhảy tuy là món bánh dân dã của Quy Nhơn nhưng tuyệt ngon, được quá nhiều người yêu thích. Thưởng thức bánh xèo nóng hổi, giòn giòn, cay cay, mang đậm nét đặc trưng của đất và người dân đất võ, du khách sẽ không thể nào quên được. Bánh xèo được làm từ bột gạo có quyện một chút bột nghệ và nước cốt dừa. Phần nhân bao gồm tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Đĩa bánh xèo dọn ra với sắc màu vàng của nghệ, màu trắng phau của giá, màu đỏ của tôm và màu xanh của rau hòa quyện thành một món ăn đẹp mắt.
2. Bánh canh chả cá
Ai đã đặt chân đến Quy Nhơn đều muốn nếm thử món bánh canh chả cá. Điều đặc biệt của món bánh canh ở đây khác với nơi khác là nước dùng. Người ta không dùng nước nấu từ xương heo mà nước dùng được nấu từ xương cá tươi, thường là xương hoặc đầu cá thu, cá cờ, tạo cho nước dùng có vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh.
Để có chả ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối cùng da lợn xay nhuyễn, sau đó khuấy thật đều tay rồi vo thành viên tròn cho vào rán. Khi thưởng thức tô bún chả cá Quy Nhơn, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị mềm, mịn, ngọt của chả cá viên, chả cá hấp và vị dai của chả cá chiên. Ngoài ra phải kể đến các loại rau gia vị ăn kèm như bắp chuối, vài cọng giá, lá bạc hà...
Bánh canh chả cá được bày bán ở nhiều con phố. Khách ăn bánh canh đôi khi không cần quán cầu kỳ, sang trọng mà chỉ ngồi ở vỉa hè mà thưởng thức.
3. Bánh hỏi cháo lòng
Bánh hỏi là đặc sản Bình Định, ngon nhất là ở Diêu Trì. Du khách sẽ thấy nhan nhản những biển hiệu cháo lòng, bánh hỏi khi đến vùng đất này. Thật ra bánh hỏi cháo lòng là hai món ăn khác nhau nhưng lại được người dân kết hợp với nhau tạo nên món ăn thú vị. Bánh hỏi giống như bún về cách chế biến nhưng bánh hỏi được làm cẩn thận và công phu hơn. Gạo tám thơm được vo kỹ, ngâm nước một đêm. Vớt gạo đem xay nhuyễn bằng cối đá. Bột nước là một hỗn hợp nước sền sệt. Bột nước cho vào bao vải khô cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là "giảo" bột đưa vào khuôn ép thành bánh.
Còn cháo được nấu khá loãng, bằng huyết ninh với nước cốt hầm từ xương và lòng lợn. Cháo vừa ngọt lại vừa thơm, ăn cùng với đĩa lòng lợn được chế biến khéo léo khiến món ăn này trở nên ngon ngọt khác thường.
4. Nem nướng, nem cuốn
Nem chợ huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính ở đây vẫn là thịt được chế biến từ heo cỏ nuôi dân dã. Nem có thể ăn với rau thơm, cuốn với bánh tráng, hoặc chỉ ăn mỗi nem để tận hưởng hương vị độc đáo của món đặc sản này. Nem khi được ăn chấm với nước mắm hay nước tương tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, nước chấm được ưa thích nhất vẫn là nước chấm được pha loãng với lạc giã nhỏ thêm đường và tỏi, ớt khiến nước chấm sánh, đậm đà.
5. Bánh ít lá gai
Là thứ bánh đơn sơ, mộc mạc và hồn hậu như con người đất võ nhưng hương vị ngọt lành của bánh ít lá gai luôn hấp dẫn du khách.
Nguyên liệu để làm bánh ít lá gai rất rẻ và dễ kiếm: lá gai, bột nếp, dầu phụng, dừa, và đậu xanh, nhưng để làm được một chiếc bánh ngon đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn với người làm bánh thật khéo léo. Bánh được làm bằng bột nếp với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc dừa nạo. Bánh ít lá gai dẻo, thơm, ăn không dính răng với vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo thành một món ăn đậm đà hồn quê Bình Định.