Kết quả trên được nêu trong báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ của 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Các địa bàn có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất tại Hà Nội so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%). Trong khi đó, 5 quận/huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất lần lượt là quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, huyện Đan Phượng.
Mới đây nhất, trong tháng 9-11/2020, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng đã thực hiện khảo sát nhanh 10 điểm sản xuất than/bếp than tổ ong tại các quận như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân,... Kết quả khảo sát cho thấy những năm trước 2020, số lượng viên than tổ ong tiêu thụ trong một ngày từ các xưởng này là khoảng 2.000 viên/xưởng. Do thành phố Hà Nội thực hiện truyền thông về tác hại của than tổ ong và chỉ thị 15/CT-UBND nên nguồn cầu giảm, số lượng than bán ra cũng giảm mạnh, số liệu thu được trung bình hiện nay mỗi xưởng sản xuất dưới 1.000 viên/ngày/xưởng, có những xưởng chỉ khoảng 500 viên/ngày. Đó là những kết quả tích cực sau rất nhiều năm Hà Nội chìm trong khói than tổ ong.
Theo ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày, người dân thành phố Hà Nội tiêu thụ hơn 520 tấn than, từ đó thải ra môi trường gần 1.900 tấn khí CO2, bụi mịn (PM2.5) và nhiều khí thải độc hại khác. Đây không phải là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất nhưng cần loại bỏ, bởi khi đốt than sẽ thải ra môi trường các khí độc hại, như: CO, CO2, SO4. Nếu hít thở thường xuyên các khí này sẽ gây ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn... Bụi thải trong quá trình đốt than cũng đi vào đường thở, gây viêm phế quản, hen suyễn và ảnh hưởng đến chức năng phổi, suy giảm khả năng hoạt động tim mạch. Nhiều gia đình sử dụng bếp than tổ ong trong nhà, lượng khí độc hại thải ra khiến thành viên sinh sống trong nhà đó bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe; nếu đặt bếp ở vỉa hè, đường phố thì ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường... Vậy nên, việc Hà Nội loại bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt hằng ngày là việc làm cần thiết và cấp thiết.
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 12/2020, việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ sẽ phải chấm dứt hoàn toàn. Đến năm 2021, người dân Thủ đô sẽ không còn khó thở bởi khói từ nhiều bếp than được đốt lên hàng ngày. Nhưng đó là hi vọng, bởi để đạt được mục tiêu đó, rất cần sự chung tay, nỗ lực từ các cấp chính quyền và từ mỗi người dân chúng ta ngay hôm nay.