Vùng trồng nho ven hồ Léman trải dài 40km xen kẽ với làng mạc và các thị trấn nho nhỏ như Lutry, Villette, Gandvaux, Chenaux, Cully, Riex, Epesses, Chexbres, Rivaz hay St.Saphorin. Những ngôi nhà cổ, pháo đài, nhà thờ cổ được bảo tồn kỹ lưỡng, nằm khuất bóng trên đồi nho tạo nên nét đặc trưng của vùng Lavaux. Đã đến vùng trồng nho, du khách không nên bỏ qua việc tìm hiểu cách làm rượu của nông dân bản địa.
Nếu ngại đi bộ, bạn có thể bỏ ra 15 franc (khoảng 300.000 đồng) là có thể ngồi trên chiếc tàu hỏa chạy bằng điện đi quanh những triền dốc quanh đồi nho. Ảnh: Internet
Đồi nho Lavaux được hình thành từ nhiều địa hình và chất đất khác nhau trong điều kiện khí hậu chuyên biệt. Nhờ đó người trồng nho nơi đây tạo nên được tám thương hiệu vang nổi tiếng toàn Thụy Sĩ.
Rượu nho trở thành thương hiệu quảng bá cho đồi nho Lavaux. Ảnh: Internet
Để có được hương vị đặc trưng, cây nho ở Lavaux được chăm sóc bởi ba loại nắng. Nắng thứ nhất là ánh sáng tự nhiên của mặt trời. Nắng thứ hai là ánh sáng phản xạ từ mặt hồ Léman. Và nắng cuối cùng chính là sức nóng của mặt trời còn lưu lại trên những bức tường đá hàng trăm năm tuổi bao quanh các ruộng nho. Chính ba thứ nắng ấy đã nuôi dưỡng và giúp những trái nho của vùng Lavaux chín mọng sau mỗi vụ mùa. Người Thụy Sĩ cũng khéo léo kết hợp thứ rượu ấy với những món ăn thích hợp để biến bữa tiệc của mình trở thành một kiệt tác ẩm thực tinh tế.
Và giây phút thư giãn bên hồ. Ảnh: Internet
Du khách có dịp ghé qua Thụy Sĩ, có lẽ nên thử cảm giác ngồi ăn fondue (món lẩu phô mai được coi là quốc hồn quốc túy của Thụy Sĩ) và thưởng thức kèm loại vang trắng có xuất xứ từ Lavaux trong một ngôi nhà gỗ giản dị ở độ cao gần 3.000m trên dãy Alpes giữa cái lạnh tê tái của mùa đông.
Ngoài ra, du khách có thể nhấm nháp ly vang đỏ Lavaux ăn kèm với món thịt bê truyền thống nấu với nấm, hành tây và kem (Zürcher Geschnetzeltes) trong một nhà hàng sang trọng giữa phố cổ Zurich.
Đồi nho Lavauxlà một kiệt tác hội họa của tự nhiên, đẹp hơn hết thảy tranh vẽ của những danh họa mà tôi đã xem trong đời. Nằm dài trên bãi cỏ ven hồ nhìn lên đồi nho xanh ngắt, thầm phục cái cách người Thụy Sĩ bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống và phát triển du lịch.
Việt Nam có hàng trăm, hàng nghìn làng nghề như thế nhưng vì sao ngày càng mai một, mất dần theo thời gian? Vì sao làng nghề và ngành du lịch nước ta mãi chưa tìm được tiếng nói chung?
Kim Cúc