Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng chuyển đổi hơn 8,3 ha đất nông nghiệp, các quỹ đất khác sang sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án đầu tư. Xác định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, Đảng ủy, UBND xã Tân Sơn đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban Quản lý dự án huyện, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy trình, các bước triển khai; tổ chức hội nghị mở rộng đến các đoàn thể, các thôn, làm việc trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng để phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, kết hợp tuyên truyền vận động.
Đồng thời, xã thực hiện đo, thống kê, phân loại, xác định nguồn gốc đất đai, nguồn gốc tài sản, kiểm kê tài sản hoa màu; xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và công khai phương án đến các hộ bị ảnh hưởng; xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh theo đúng quy định của pháp luật và tổ chức thanh toán, chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đúng, đủ, kịp thời.
Bà Ngô Thị Vy, thôn Thụy Sơn, xã Tân Sơn, cho biết gia đình bà có hơn 200 m2 đất ruộng thuộc diện thu hồi phục vụ dự án cầu Tân Lang. Lúc đầu, gia đình không đồng ý nhận tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng diện tích ruộng đã có quyết định thu hồi. Đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã Tân Sơn đã đến tận nhà kiên trì tuyên truyền, giải thích những nội dung liên quan đến dự án. Nhờ đó, gia đình đã hiểu đầy đủ hơn mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án cầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chấp thuận bàn giao ruộng để thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, toàn bộ các dự án tại xã đã được bàn giao mặt bằng sạch, đúng thời gian nhờ làm tốt công tác dân vận, mọi chính sách được công khai, minh bạch, không chủ quan, áp đặt mà kiên trì giải thích, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân.
Phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên cũng thực hiện nhiều công trình, dự án phải triển khai giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng thu hồi 100 ha, có 698 hộ bị ảnh hưởng; Dự án xây dựng đường giao thông tuyến N5 thu hồi 0,93 ha, có 47 hộ bị ảnh hưởng; Dự án cải tạo, kiên cố kênh A4-6, nhánh A4-8-29 và trạm bơm phục vụ chống úng cho các khu công nghiệp thu hồi 0,43 ha, có 44 hộ bị ảnh hưởng…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, Đảng ủy phường Bạch Thượng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của nhân dân; tích cực gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giải đáp kịp thời các ý kiến, thắc mắc của bà con, nhất là các hộ có đất bị thu hồi phục vụ dự án. Cùng với công tác tuyên truyền, mỗi cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách các tổ dân phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, thuyết phục, vận động người dân chấp hành chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân.
Ông Bùi Đức Long, Chủ tịch UBND phường Bạch Thượng cho biết, nhờ phát huy tốt vai trò công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong giải phóng mặt bằng, các dự án thực hiện tại phường đã triển khai thành công, qua đó giúp cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người của phường năm 2020 đạt 58,3 triệu đồng/năm, năm 2021 đã tăng lên 71,5 triệu đồng/năm.
Giai đoạn 2015 -2020, toàn tỉnh Hà Nam thực hiện giải phóng mặt bằng 561 dự án với tổng diện tích đất thu hồi là hơn 1.450 ha. Nhiều dự án có diện tích thu hồi lớn nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả này có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận của chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong giải phóng mặt, bằng tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Đinh Văn An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam, quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, Ban Dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tăng cường công tác nắm tình hình trước, trong và sau khi thực hiện dự án, nhất là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân chịu ảnh hưởng bởi các dự án để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết. Đồng thời, Ban Dân vận trực tiếp tham gia các tổ công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân với phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”, “Vận động từng bước, kiên trì thuyết phục”; đặc biệt có hình thức vận động phù hợp đối với những trường hợp chưa đồng thuận.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Nam triển khai giải phóng mặt bằng khoảng hơn 9.000 ha phục vụ các dự án đầu tư. Vì vậy, tỉnh xác định tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng, “đi trước, mở đường” tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và có tính quyết định trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là “giải pháp mềm” giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ các dự án, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.