Theo hãng tin AFP, đây là kết quả nghiên cứu tiến hành tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khoảng thời gian 35 năm vừa được trình bày ngày 12/6 tại một hội nghị ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Đây được đánh giá là nghiên cứu toàn diện nhất trước nay về vấn đề béo phì.
Nghiên cứu này cũng đã công bố trên ấn phẩm mới nhất của Tạp chí y khoa New England. Cụ thể, tính đến năm 2015 toàn thế giới có 2,2 tỉ người (chiếm 30% dân số thế giới) hoặc thừa cân hoặc béo phì.
Theo nghiên cứu này, số người béo phì đang tăng lên hơn gấp đôi tại 73 quốc gia và đang tăng mạnh trên toàn thế giới.
Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới với tỉ lệ béo phì ở trẻ em và thanh niên với 13%.
Việt Nam và Bangladesh là hai quốc gia có tỉ lệ người trưởng thành béo phì thấp nhất thế giới, ở mức 1%.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có tỉ lệ trẻ em béo phì cao nhất thế giới, lần lượt là 15,3% và 14,4%.
Mỹ và Trung Quốc là hai nước dẫn đầu về tỉ lệ người trưởng thành béo phì, lần lượt là 79,4% và 57,3%.
Mặc dù tỉ lệ béo phì ở trẻ em vẫn thấp hơn so với ở người lớn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy tỉ lệ này đã tăng với tốc độ nhanh hơn một cách "đáng lo ngại".
Tiến sĩ Ashkan Afshin, chủ trì nghiên cứu, chia sẻ: "Trong thập kỷ qua, hàng loạt các biện pháp can thiệp ngăn chặn béo phì đã được đánh giá lại, tuy nhiên vẫn còn rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả lâu dài của chúng".
Tình trạng thừa cân cho đến nay được xác nhận có liên quan tới tỉ lệ tăng đáng kể các bệnh tim mạch, tiểu đường và một số bệnh ung thư.
Năm 2015 có khoảng 4 triệu ca tử vong liên quan tới những trường hợp có chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt quá mức 24,5, chỉ số cho thấy tình trạng thừa cân ở người.
Theo Tuổi Trẻ