Theo thông tin khai thác, bệnh nhân K.V.V được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 cách đây 10 năm, đang điều trị isulin hàng ngày tại Bệnh viện Sơn Tây. Trước nhập viện gần 20 ngày bệnh nhân xuất hiện sưng đau vùng cổ, mang tai phải, ăn uống kém, nuốt đau tức. Tuy nhiên do chủ quan, nghĩ bị lên quai bị nên người nhà bệnh nhân đã không đưa đi khám mà tự ý ở nhà dùng lá đắp vào vùng bị tổn thương đồng thời tự mua kháng sinh không rõ loại uống tại nhà trong vòng 10 ngày nhưng không đỡ, vết thương vẫn tấy đỏ và lan dần khắp toàn ngực. Sau khi được trích lấy mủ và dẫn lưu vùng áp xe tại Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, người bệnh đã được chuyển tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tiếp tục tìm nguyên nhân và điều trị tiếp.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng đường huyết tăng cao lên tới 22mmol/l. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được nhiệt độ cơ thể trên 37độ. Tim đều, huyết áp 100/60, thở đều, bụng mềm, không chướng, không đau. Vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, phát nề đỏ, chảy mủ.
Nhận định về ca bệnh này, ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện – Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân cho biết: Đây là một trong những trường hợp điển hình do sự chủ quan của người bệnh. Đối với những trường hợp mắc ĐTĐ nhiều năm xuất hiện vết xước ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng chân người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sỹ mà cần phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong thời gian vừa qua, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tự ý chữa ĐTĐ bằng các bài thuốc dân gian, sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên thị trường. Những sản phẩm này không những không cải thiện được tình trạng viêm loét mà còn dẫn đến nguy cơ dị ứng khiến vết loét lan rộng khó chữa trị, nhiều trường hợp phải cắt cụt chi, thậm chí đã có không ít ca bệnh tử vong.