Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, qua 5 năm, trong nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nổi lên một số điểm nhấn quan trọng. Trước hết và quan trọng nhất, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng cao so với 5 năm trước đó.
Thứ hai, tái cơ cấu nền kinh tế được đẩy mạnh, vì thế, qua các sự kiện như COVID-19, nền kinh tế không bị “sốc” mà vẫn duy trì được tăng trưởng.
Thứ ba, xử lý được vấn đề an toàn tài chính, giảm được nợ công, nợ Chính phủ, trong khi tổng mức đầu tư toàn xã hội vẫn đạt 31 đến 32% GDP.
Thứ tư, chúng ta ứng phó tốt với các biến động, như sự cố Formosa đầu nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 và thiên tai lịch sử cuối nhiệm kỳ. Trong 4 năm đầu, chúng ta đã thực hiện tốt các kế hoạch, mục tiêu đặt ra, riêng năm 2020 rất đặc thù, chúng ta đã có những biện pháp rất đặc biệt phù hợp, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia xử lý thành công bài toán giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Thứ năm, chúng ta đã chuẩn bị rất tốt các hành trang hội nhập kinh tế quốc tế, với các hiệp định CPTPP, EVFTA, EVIPA, RCEP. Với các hiệp định này, Chính phủ đã tạo những đột phá về quan hệ kinh tế quốc tế cho sự phát triển.
Cuối cùng, chúng ta đã thực hiện chuyển đổi số nền hành chính, với cách tư duy mới. Ví dụ, thay vì bắt người dân và doanh nghiệp tiếp cận cơ quan nhà nước, thì nay, với vai trò công bộc, cơ quan nhà nước tiếp cận người dân. “Trước đây người dân nộp tiền phải viết hóa đơn đỏ, thì nay chỉ cần chuyển tiền qua điện thoại. Tại sao chúng ta thu tiền của dân mà dân phải lên cơ quan nhà nước?”, TS Nguyễn Đức Kiên đặt vấn đề và nhấn mạnh: Thay đổi tư duy đã dẫn tới thay đổi hành xử của các cơ quan chính quyền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đi thị sát, nắm tình hình và thăm hỏi đời sống của người dân vùng bị ngập lũ tại tỉnh Bình Định, ngày 21/12/2016. - Ảnh: VGP |
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật rất đáng ghi nhận, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục xử lý. Trước hết, quá trình ra quyết định của nhiều cơ quan quản lý hành chính nhà nước vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế, “họp quá nhiều mà không phân rõ trách nhiệm”, nhất là có tình trạng đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh trong năm cuối nhiệm kỳ, nhưng nếu giải ngân đầu tư công trong các năm trước được như năm 2020 thì tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn 2016-2020 sẽ còn cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng thực tế, bên cạnh nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành rất quyết liệt và đổi mới, vẫn có những Bộ, cơ quan còn lúng túng trong xây dựng chính sách, vẫn có những quy định không chỉ không tháo gỡ mà còn kìm hãm, trói buộc phát triển, vẫn theo tư duy “quản được đến đâu thì mở ra đến đấy”, tức là không theo kịp sự phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Hiểu rất rõ thực lực, không tăng trưởng bằng mọi giá
Về mặt điều hành, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chọn được điểm điều hành đột phá, mấu chốt, tác động lan tỏa. Ngay đầu nhiệm kỳ, việc xử lý vụ việc của Formosa tương đối ổn cả về mặt môi trường, xã hội và kinh tế.
Một ví dụ khác, nhìn nhận sức mua trong nước có hạn, chúng ta đã đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, có những giải pháp để xử lý những vướng mắc, hạn chế về cơ cấu, khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư để thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác này, trong đó có mục tiêu nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm xuất khẩu từ khu vực FDI.
TS Nguyễn Đức Kiên: Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá. Đây cũng là điểm khác biệt so với nhiều giai đoạn trước. - Ảnh: VGP |
Cùng với đó, có thể kể đến những điểm điều hành đột phá khác như ứng phó hạn mặn tại ĐBSCL, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo… Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục đối thoại với các giai tầng trong xã hội, công nhân, nông dân, doanh nhân…; lắng nghe các ý kiến nhiều chiều qua báo chí, dư luận… để có chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Bên cạnh đó, quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá. Đây cũng là điểm khác biệt so với nhiều giai đoạn trước. Tính bền vững trong tăng trưởng thể hiện ở tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội giảm, nợ công giảm, nhưng tỷ trọng đầu tư toàn xã hội vẫn giữ ở mức 31 đến 32% GDP, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, cho thấy việc huy động vốn trong xã hội, từ các thành phần kinh tế khác là tương đối tốt. Điều này có được nhờ các kết quả của nỗ lực hoàn thiện thể chế.
Đặc biệt, năm 2020, khi dịch bệnh ập tới, chúng ta đã ứng phó nhanh với quyết sách đúng đắn là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. “Nếu không, sẽ không thể có thành quả như ngày hôm nay. Quan điểm phòng dịch hơn chống dịch xuất phát từ người điều hành hiểu rất rõ thực lực đất nước và thực tế cho thấy, chúng ta đã làm khâu phòng dịch rất tốt”, TS Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Chính phủ cũng điều chỉnh rất kịp thời các giải pháp phòng chống dịch, phù hợp với tình hình và nhận thức từng thời điểm về dịch bệnh. Khi dịch mới bùng phát, cơ chế lây nhiễm chưa rõ ràng, chúng ta tiến hành giãn cách xã hội trên cả nước; sau 3 tuần, chúng ta cách ly 1 xã ở Hạ Lôi, sau đó cách ly một khu phố như Trúc Bạch và rồi đến cách ly một đơn nguyên vài nhà, rồi cách ly tại nhà…
“Nhờ đó, điểm sáng lớn nhất của năm 2020 là ổn định kinh tế đất nước, ổn định xã hội trong bối cảnh đại dịch, vừa giữ được tăng trưởng dương, nâng cao niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước”, TS Nguyễn Đức Kiên khẳng định.
Nhắc tới hai mục tiêu 100 năm (năm 2030, dịp 100 năm Ngày thành lập Đảng và năm 2045, dịp 100 năm Ngày lập nước), TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Việt Nam đã có kinh nghiệm chuyển đổi viễn thông, đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước hàng đầu thế giới về viễn thông và công nghệ thông tin. Đây là một lợi thế trong chuyển đổi số.
Mặt khác, chuyển đổi số không đòi hỏi một số vốn quá lớn như điện khí hóa, tự động hóa trước đây, từ đó, mở ra cơ hội tương đương nhau cho tất cả các quốc gia. Vấn đề đặt ra là, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhận thức, tư duy, coi chất xám là tài nguyên quan trọng nhất và muốn phát huy được nguồn tài nguyên này, thể chế phải tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển, khơi thông mọi nguồn lực.