Dấu ấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong đối ngoại quốc phòng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được nhớ đến với những dấu ấn sâu đậm về một nhà tình báo, một chiến lược gia và một nhà ngoại giao về quốc phòng trong thời bình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Dành cả cuộc đời để cống hiến vì độc lập, tự chủ và nền hòa bình bền vững của đất nước, trong hơn 40 năm quân ngũ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã để lại dấu ấn sâu sắc trên những lĩnh vực mà ông phụ trách.

Ông được nhớ đến với những dấu ấn sâu đậm về một nhà tình báo, một chiến lược gia và một nhà ngoại giao về quốc phòng trong thời bình.

Tâm huyết với công tác khắc phục hậu quả chiến tranh

Chia sẻ về Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong thâm tâm Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học tràn ngập sự kính trọng, trân quý.

Trong thời gian trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đề xuất nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, để lại nhiều dấu ấn rất quan trọng.

Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo 33 Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình cho từng giai đoạn và hằng năm một cách cụ thể.

Tại buổi kiểm tra tồn lưu chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa ngày 27/6/2016, Thượng tướng chỉ đạo "Bộ Tư lệnh hóa học lập dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, đánh giá, phân tích, thử nghiệm công nghệ xử lý."

Thực hiện chỉ đạo này, Binh chủng Hóa học lập dự án "Tiếp nhận trang bị phân tích dioxin và môi trường do Chính phủ Nhật Bản tài trợ" nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích phục vụ công tác khắc phục hậu quả chất độc sau chiến tranh và môi trường. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, tiếp nhận 20 danh mục trang thiết bị với nhiều loại máy móc hiện đại.

Cùng với đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh từng trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn thành dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng," xử lý hơn 90.000m3 đất nhiễm dioxin bằng công nghệ giải hấp nhiệt trong mố; triển khai thực hiện dự án "cơ sở hạ tầng và tiền xử lý dioxin chuẩn bị cho dự án hợp tác Việt Nam-Hoa kỳ xử lý dioxin sân bay Biên Hòa" và dự án "Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1."

Ông cũng là người chỉ đạo Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học lập và triển khai thực hiện dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế" do Bộ Tư lệnh Hóa học làm chủ đầu tư.

Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao đất sạch cho địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 701.

Để giúp triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 701, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cần thiết phải có các Trung tâm hành động để triển khai công tác điều hành, phối hợp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học.

Ông đã trực tiếp ký Đề án của Bộ Quốc phòng (số 2862/ĐA-BQP ngày 22/3/2019) và Tờ trình về việc thành lập "Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường" (NACCET).

Sau này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc thành lập Trung tâm, giao Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, Bộ Tư lệnh Hóa học quản lý NACCET để thực hiện việc điều hành, phối hợp, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; xử lý ô nhiễm hóa chất độc, chất nguy hại, khắc phục sự cố hóa chất độc xạ và môi trường trong phạm vi toàn quốc.

Theo Thiếu tướng Hà Văn Cử, bằng những quyết sách kịp thời, đúng đắn, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và các hoạt động thiết thực vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin những năm qua mang đậm dấu ấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội của đất nước; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng.

Nỗ lực vì một ASEAN hợp tác, thống nhất giữa các lực lượng quốc phòng

Đại sứ Phạm Quang Vinh (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) từ khi làm Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (Các Quan chức cấp cao ASEAN của Việt Nam), giai đoạn 2007-2014, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (giai đoạn 2014-2018) đã có thời gian dài làm việc với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Chia sẻ những kỷ niệm về người bạn "Năm Vịnh," Đại sứ Phạm Quang Vinh nhớ lại vào năm 2010, khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, một vấn đề đặt ra là liệu có mở rộng cấp cao Đông Á được hay không? Khi đó hàm ý mời Hoa Kỳ và Nga tham gia làm thành viên với mong muốn tại khu vực này, ASEAN này có thể làm việc được với tất cả các nước lớn.

Phía bên quốc phòng cũng có một quyết tâm khởi động được tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) gồm 10 nước ASEAN với 8 nước đối tác, trong đó có những nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.

"Với tư cách là người giúp việc cho lãnh đạo cấp cao ở hai kênh là đối ngoại của quốc phòng và đối ngoại của ngoại giao, chúng tôi chia sẻ với nhau. Anh Vịnh đã đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp có thẩm quyền làm sao để xây dựng trong cộng đồng ASEAN có sự hợp tác, thống nhất giữa các lực lượng quốc phòng. Chính vì thế, Việt Nam đã có sáng kiến về thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+," Đại sứ Phạm Quang Vinh kể.

Kết quả, ASEAN 2010 là một ASEAN đột phá trong liên kết, hợp tác toàn cầu, với sự tham gia lần đầu tiên của các cường quốc trên thế giới. Đặc biệt quan trọng khi sáng kiến ADMM+ đã đưa ra vài ba năm trước nhưng chưa được thông qua do không có được sự đồng thuận của các nước thì trong năm 2010, các bên đã nhất trí khởi động và triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các nước đối tác (ADMM+) lần đầu tiên.

ADMM+ trở thành cơ chế đối thoại chiến lược hàng đầu và thường xuyên của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác chủ chốt về các vấn đề quốc phòng-an ninh, góp phần mở rộng hợp tác ASEAN với các đối tác (khi đó chủ yếu là chính trị và kinh tế).

Trong những chuyến công tác trên cương vị là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã có dịp thăm Trung tâm của Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Hawaii.

Ông cho biết các tướng lĩnh phụ trách Trung tâm này đều nói rằng, sự hợp tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam với Hoa Kỳ là một hình mẫu trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh.

"Anh Vịnh là người chỉ đạo quyết liệt việc này, ngay cả trong 3 năm dịch COVID-19 vừa qua, khi phía Hoa Kỳ không thể cử người sang Việt Nam phối hợp, chúng ta vẫn tiếp tục chương trình tìm kiếm hài cốt người mất tích. Suốt 50 năm qua, hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh trở thành hình mẫu trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần xây dựng biểu tượng về sự hòa giải," Đại sứ cho biết.

Trong câu chuyện khắc phục hậu quả chiến tranh, những nhân vật chủ chốt tại Hoa Kỳ mà Đại sứ Phạm Quang Vinh từng gặp đều đánh giá rất cao cống hiến, đóng góp và cách tiếp cận thẳng thắn nhưng rất chân tình của tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong đó có Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, người từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Thường trực Thượng viện, người có công rất lớn trong tạo lập quỹ và thúc đẩy các dự án về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, trong đó có tẩy độc ở hai sân bay. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trở thành người bạn thân thiết của vợ chồng ông.

"Thượng nghị sỹ Patrick Leahy coi anh Vịnh là người cộng sự không thể thiếu trong nỗ lực chung nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh để lại ở Việt Nam. Năm 2019, tới Hoa Kỳ công tác, anh Vịnh đã tặng ông Leahy một món quà đặc biệt - hộp đất lấy từ sân bay Đà Nẵng sau dự án tẩy độc dioxin, khiến ông rất xúc động," Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.

Khát vọng hòa bình và sứ mệnh của người lính

Trong suy nghĩ của nhiều người gắn bó với lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một chiến lược gia trong lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, một vị tướng tài có tầm nhìn về chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Ông là một trong những người sáng lập và đặt nền móng cho những bước đi đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), chia sẻ cả cuộc đời mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn trăn trở, tìm tòi để đổi mới tư duy về bảo vệ Tổ quốc.

Ông nhấn mạnh rằng khi quân đội luôn sẵn sàng thì đất nước sẽ không bị tổn thương. Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng cống hiến để nhân dân được sống trong hòa bình, trong xã hội yên bình và phát triển, bởi giữ được hòa bình cho Tổ quốc vẹn toàn là điều quan trọng nhất cần đạt được.

Cuối năm 2017, tại trụ sở Bộ Quốc Phòng, diễn ra một sự kiện mang dấu ấn lịch sử của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam và cũng là khoảnh khắc rất đặc biệt trong cuộc đời binh nghiệp của Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam.

Khi đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đã trao quyết định của Chủ tịch nước cho chị - nữ sỹ quan Việt Nam đầu tiên được cử đi thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với vai trò Sỹ quan Tham mưu phụ trách theo dõi các hoạt động quân sự tại phái bộ UNMISS, Nam Sudan vào năm 2018.

Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga luôn xem Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người thầy lớn của mình.

"Tôi xin phép được gọi thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh là chú, bởi từ lâu tôi đã coi thủ trưởng như người cha, người chú và cũng là người thầy lớn của tôi. Tôi có thể thoải mái chia sẻ cũng như xin ý kiến chú về những khó khăn trong công việc hay cuộc sống và luôn nhận được những lời khuyên chân thành, cởi mở giúp tôi tiến bộ, trưởng thành," Thượng tá Đỗ Thị Hằng Nga bùi ngùi chia sẻ.

"Sau này, thông qua công việc, tôi có cơ hội được gần gũi, hiểu thêm về chú nhiều hơn. Chú là người quyết liệt, nghiêm khắc trong công việc, luôn có những hành động quyết đoán, nói đi đôi với làm. Nhưng chú cũng rất tâm lý và quan tâm đối với cấp dưới trong cuộc sống thường ngày, điều mà không phải vị tướng nào cũng có thể làm được," Thượng tá Hằng Nga nhớ lại.

Theo Thượng tá Hằng Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người có tầm nhìn sắc bén. Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam dù "tuổi đời" chưa nhiều, nhưng qua 9 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển đã đạt được những thành công như ngày hôm nay, có đóng góp lớn nhờ tầm nhìn xa và sự quyết tâm của ông. Đồng thời, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng là con người giàu tình cảm, trọng đạo lý.

Dù là một tướng lĩnh cấp cao, song ông luôn tôn trọng cấp dưới, luôn tạo điều kiện giúp họ phát huy sở trường, hạn chế điểm yếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ và thành công trong sự nghiệp.

Dấu ấn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong đối ngoại quốc phòng ảnh 1
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.