Trên thế giới, trung bình cứ 1.000 dân thì có 7 người mắc bệnh động kinh. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở những nước đang phát triển như Việt Nam - con số này có thể gấp đôi. Ở nước ta hiện nay có khoảng 800.000 người bệnh động kinh đang được quản lý và điều trị. Con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều do khả năng nhận thức bệnh còn thấp và việc tuân thủ điều trị chưa tốt.
Bệnh động kinh là gì?
Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, cơn động kinh được định nghĩa là tình trạng bệnh lý ở não, đặc trưng bởi sự phóng lực quá mức, đồng bộ và tạm thời của một nhóm các nơron trong não, có những triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích.
Động kinh được đặc trưng bởi các cơn động kinh tái phát. Thông thường một bệnh nhân được chẩn đoán là động kinh khi có ít nhất hai cơn động kinh, nếu chỉ có một cơn duy nhất thì chưa gọi là động kinh.
Theo bác sĩ Tuấn, động kinh không phải là một bệnh tâm thần. Một số tình trạng nội khoa khác có thể gây ra các cơn động kinh như co giật do sốt, do ngưng thuốc, do ngộ độc, do phản ứng dị ứng, do nhiễm trùng, do rối loạn điện giải, đường huyết... Tuy nhiên những tình trạng này không được xem là động kinh. Thỉnh thoảng cơn động kinh không được chú ý hay có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đột quỵ hay đau đầu migraine (đau nửa đầu).
Động kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiều người bị động kinh ở tuổi nhỏ và đến tuổi trưởng thành có khuynh hướng giảm về cường độ và số lần xuất hiện cơn động kinh. Tỷ lệ động kinh cũng tăng ở người lớn tuổi. Vài nghiên cứu cho thấy người sau 60 tuổi mới bị động kinh chiếm tỷ lệ khoảng 25%. Động kinh có thể dẫn đến hội chứng tử vong đột ngột không dự đoán trước. Hội chứng thường gặp ở người 20-40 tuổi, bị động kinh trên một năm.
Nguyên nhân của bệnh động kinh
Hiện nay, các trường hợp động kinh không rõ nguyên nhân (động kinh vô căn) chiếm tỷ lệ lớn với 6 trong 10 trường hợp. Các trường hợp tìm được nguyên nhân (động kinh thứ phát) thường do liên quan đến các tổn thương não như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm màng não, áp xe não, u não, rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc...
Trên lâm sàng thường gặp 3 loại động kinh sau:
Cơn động kinh toàn thể (Cơn lớn)
Vài giờ hoặc vài ngày trước đã có 1 số dấu hiệu (tiền triệu) như cơn đau nửa đầu, cơn đau dây thần kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn tiêu hóa, hồi hộp tim, tính tình thay đổi, trầm cảm, run...
Ngay trước khi bắt đầu lên cơn, có 1 số dấu hiệu báo trước như chớp mắt nhiều, nghiến răng hoặc cảm giác như kiến bò, cảm giác phỏng, cảm giác như có gió thổi qua người, hoặc hoa mắt, mắt nổi đom đóm, tai ù, tai nghe tiếng chuông, mũi ngửi mùi khét, lưỡi có vị khó chịu, hắt hơi, hồi hộp, ngực đau tức, muốn ói, ói hoặc lo lắng, giận dữ, mơ mộng.....
Một cơn động kinh thường xuất hiện với 3 giai đoạn:
- Giai đoạn cường: Thường bắt đầu bằng 1 tiếng kêu rồi ngã ngay xuống đất bất tỉnh, chân tay cứng đờ, lồng ngực và cơ hoành giữ yên, không thở trong vài giây, mắt thâm tím do ngạt, hàm cắn chặt, răng nghiến lại. Giai đoạn này trung bình dài 30 giây.
- Giai đoạn giật: người bệnh bất ngờ co giật, nhịp nhàng, cơn giật ngày càng mạnh và thưa hơn, lưỡi thè ra và dễ bị cắn môi và mặt trong má cũng có thể bị cắn chảy máu. Các cơ mặt cũng bị co giật, nước miếng tiết ra nhiều dưới dạng sủi bọt. Các cơ vòng dãn ra, vì vậy hay đái ra quần. Giai đaọn này dài 2-3 phút và kết thúc bằng 1 tiếng rên, thở sâu và thư giãn.
- Giai đoạn hôn mê: nằm yên, thư giãn, mất cảmm giác và ý thức, mặt đỡ tím dần, có cảm tưởng là người bệnh ngủ say. Giai đoạn này dài từ 15 phút tới vài giờ. Sau đó, ý thức trở lại dần, lúc đã tỉnh đa số người bệnh vẫn có ý thức u ám, cơ thể đau nhức và không nhớ gì về cơn đã xẩy ra.
- Sau cơn: Có thể những dấu hiệu liệt, bán liệt, co cứng, mất cảm giác hoặc giảm cảm giác, nhìn kém nghe giảm, ói mửa, khó thở, Albumin/niệu trạng thái tâm thần u ám, hay giận dữ có thể bỏ nhà ra đi và sau đó cũng không nhớ rõ sự việc gì hết.
- Nhịp các cơn: Cơn hay xẩy ra ban đêm nhiều hơn, các cơn ban ngày cũng thường hay xuất hiện buổi sáng sớm nhiều hơn. Nhịp cơn thay đổi tùy mức độ nặng nhẹ. Lúc đầu thưa, 1 năm 2-3 cơn, sau đó dầy dần: hàng tháng hoặc hàng ngày, có những đợt nghỉ. Cơn dầy thì người bệnh bị loạn thần.
Cơn động kinh nhỏ
Thường là loại động kinh vô căn, hay gặp ở trẻ nhỏ. Đặc điểm là có những cơn vắng, những cơn co giật hoặc những cơn vô lực. Thời gian mỗi cơn không quá 30 giây nhưng xẩy ra nhiều lần trong ngày.
- Loại cơn vắng: là 1 biểu hiện của động kinh vô căn. Mất ý thức chốc lát trong 15_30 giây, trong khi đó, người bệnh ngừng mọi hoạt động nhưng các động tác tự động đơn giản thì vẫn còn, ví dụ như tiếp tục đi... Người bệnh không biết và nhớ gì về cơn vắng. Cơn vắng bắt đầu và chấm dứt đột ngột, không có gì báo trước. Người bệnh không bị ngã.
- Loại co giật cơ: Trong 3% cơn bé thấy có những co cứng cơ từng phần với những động tác của đầu và chi trên, ít khi mất ý thức.
- Thể vô lực: Trong 15% trường hợp người bệnh đột nhiên mất trương lực cơ, đánh rơi vật đang cầm trong tay, ngã khụy xuống trong khi ý thức vẫn tỉnh, và chỉ kéo dài 30 giây- 1 phút.
Cơn động kinh cục bộ (Bravais Jacksen)
Không có động kinh toàn thân mà chỉ có co giật, thường bắt đầu ở ngón tay cái, ngón chân cái rồi lan rộng thêm đến các vùng chung quanh. Thường ý thức vẫn còn, thời gian cơn ngắn chỉ vài phút.
Song Mỹ
>>>Nên đọc: Top thực phẩm giúp chị em sở hữu vóc dáng đẹp như Ngọc Trinh