Hội đua ngựa Gò Thì Thùng năm nay có sự tham gia của 32 con ngựa, phần lớn là ngựa cái chuyên thồ nông sản. Các "kỵ sĩ" chủ yếu là nông dân tại địa phương. Hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh đến xem, cổ vũ trong không khí vui tươi, ấm áp của những ngày đầu Xuân mới.
Bên cạnh phần tranh tài ở từng chặng đường của các "kỵ sĩ" cùng ngựa của mình, khán giả đến xem rất thích thú khi chứng kiến những chú ngựa không chịu chạy hết đường đua của mình. Nhiều con ngựa còn hất văng các "kỵ sĩ" xuống đất khiến Ban Huấn luyện gặp khó khăn.
Chị Hồ Thị Mỹ Huệ (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) cho biết, hai năm qua, Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng không được tổ chức vì dịch COVID-19. Năm nay, Hội được UBND huyện tổ chức trở lại, người dân rất phấn khởi. Đến xem những con ngựa đua vốn trước đây chỉ chuyên thồ hàng hóa không chịu chạy, ai cũng cười sảng khoái. Tuy vậy, vẫn có những màn rượt đuổi nhau của các "kỵ sĩ" cùng ngựa của mình vô cùng hấp dẫn.
Là du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và lần đầu xem đua ngựa, ông Nguyễn Văn Hạnh vui vẻ cho biết, ông biết đến Hội đua ngựa Gò Thì Thùng từ nhiều năm trước nhưng năm nay mới có dịp cùng gia đình tới Phú Yên xem tận mắt. Chứng kiến những con ngựa đang băng băng trên đường đua bỗng dừng lại hất văng "kỵ sĩ" khiến ai cũng bất ngờ. Điều này không chỉ tạo nên không khí vui tươi trong những ngày Xuân, mà còn tạo sự hấp dẫn ở hội thi, qua đây thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với vùng đất Phú Yên.
Kết quả hội đua năm nay, anh Lê Thành Trung (xã An Hiệp) về Nhất với ngựa số 23; anh Lê Văn Thu (xã An Hiệp) về Nhì với ngựa số 28; anh Thái Văn Phát (xã An Thọ) xếp thứ Ba với ngựa số 4.
Theo ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng là hoạt động văn hóa đặc sắc, độc nhất vô nhị của không chỉ tỉnh Phú Yên mà còn của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Năm nay, người dân trong tỉnh và du khách đến xem đua ngựa nhiều hơn mọi năm, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu Xuân mới.
Hiện nay, nhiều người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn sử dụng ngựa để chở nông sản và nhiều vật dụng trong sản xuất nông nghiệp. Ngựa thồ sử dụng để vượt qua địa hình gập ghềnh, trơn trượt mà các loại xe không thể di chuyển qua được. Một con ngựa có sức khỏe tốt có thể chở trên lưng trên 100kg. Nhiều khách du lịch đến Phú Yên thích thú với những chú ngựa. Do vậy, ngựa còn được nuôi phục vụ hoạt động du lịch.
Di tích lịch sử cấp quốc gia Gò Thì Thùng nổi tiếng với hệ thống địa đạo dài 1.948m. Nơi đây là căn cứ cách mạng với nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Đây là một trong những công trình ghi dấu sự quả cảm, mưu lược của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.