Đáy biển - địa bàn tranh chấp địa chiến lược mới

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cuộc giằng co địa chính trị lớn tiếp theo có thể diễn ra ở vùng nước sâu dưới bề mặt Trái đất, nơi các quốc gia và tập đoàn đang tìm cách tranh giành lợi thế khai thác.
Đáy biển - địa bàn tranh chấp địa chiến lược mới

Các nhà khoa học ước tính có thể tìm thấy hàng tỷ tấn mangan, sắt, magie, titan, kali, coban và niken dưới đáy đại dương, thậm chí có không ít chuyên gia còn dự đoán rằng một số khoáng chất có nhiều ở đáy biển hơn trên đất liền.

Những khoáng sản này là cốt lõi để sản xuất nhiều mặt hàng, đơn cử như pin xe điện,... Đối với các nước phương Tây, những nguồn tài nguyên giàu tiềm năng này có thể mang lại cho họ một cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc hiện tại vào Trung Quốc và Nga.

Nhưng vẫn chưa có khung pháp lý được công nhận để quản lý việc khai thác ngoài phạm vi quyền tài phán của một quốc gia. Các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi được cho là có nhiều trữ lượng khoáng sản dồi dào nhất, đang đứng trước cả nguy và cơ.

Vào ngày 18 và 19/9, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, một hội nghị bàn tròn cấp cao sẽ được tổ chức tại thành phố New York với sự tham gia của các quốc đảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với chủ đề khai thác khoáng sản dưới đáy biển, vốn bao gồm các hoạt động khai thác diễn ra ở độ sâu hơn 200 m.

"Đây là một cuộc trò chuyện mới và có phần nhạy cảm", Darshana Baruah, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, đơn vị tổ chức hội nghị bàn tròn, nhận định.

Các khoản khai thác có thể mang lại nguồn lực mới cho các quốc đảo vốn đang phải đối mặt với một số rủi ro nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Mặt khác, các quốc đảo nhỏ này chắc chắn sẽ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Bà Baruah, người đứng đầu Sáng kiến Ấn Độ Dương của Quỹ Carnegie, cho biết: “Các quốc đảo bị chia rẽ giữa hai lập trường ủng hộ hoặc phản đối việc khai thác dưới biển sâu. Vấn đề này có thể trở thành một lĩnh vực quan trọng đối với địa chính trị trong những năm tới, với những tác động đáng kể đối với các quốc đảo nhỏ”.

Hội nghị bàn tròn, một phần của sự kiện kéo dài 2 ngày có chủ đề “Các quốc gia đại dương: Đối thoại các quần đảo Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, nhằm tìm cách hiểu sâu hơn về quan điểm của các quốc đảo trước vấn đề khai thác tài nguyên.

Vào tháng 7, Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) có trụ sở tại Jamaica, đã bỏ lỡ thời hạn quan trọng để thiết lập khung pháp lý. ISA không thể xoa dịu bất đồng giữa các quốc gia kêu gọi tạm dừng khai thác biển sâu do lo ngại về môi trường và những quốc gia mong muốn đẩy nhanh hoạt động thăm dò, khai thác.

Một trong những quốc gia tích cực nhất trong hoạt động thăm dò đó là đảo quốc Nauru ở Nam Thái Bình Dương, vốn đã tài trợ cho một công ty có trụ sở tại Canada để khám phá tiềm năng trữ lượng niken dưới đáy biển ở Vùng Clarion Clipperton, nằm giữa Hawaii và Mexico.

Trong khi Indonesia, Philippines và Nga đứng đầu danh sách các nhà cung cấp niken hiện tại thì khu vực Clarion Clipperton được báo cáo là mỏ niken chưa phát triển lớn nhất thế giới.

Niken thường được sử dụng làm thép không gỉ và gần đây được ưa chuộng để sử dụng trong pin xe điện. Với nhu cầu tăng vọt, thị trường niken toàn cầu được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung từ khoảng năm 2027.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển xác định vùng biển cách bờ biển lãnh hải 12 hải lý là tài sản chung quốc tế. ISA chịu trách nhiệm thiết lập cơ cấu chia sẻ lợi nhuận và đánh thuế các hoạt động khai thác, cũng như các hướng dẫn pháp lý và sinh thái.

Bà Baruah cho biết các cuộc thảo luận về khung pháp lý “có thể có tác động lâu dài đến các vấn đề từ hệ sinh thái biển, nỗ lực bảo tồn cũng như địa chính trị với ý nghĩa chiến lược”.

Cuộc tranh luận về khai thác biển sâu diễn ra vào thời điểm các quốc đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương muốn giành được đòn bẩy để nâng cao vai trò trên trường quốc tế.

“Mọi quốc gia ngày nay, dù ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương, đều nhận thức rất sâu sắc về vị trí địa lý chiến lược mà họ chiếm giữ”, bà Baruah nói.

Nilanthi Samaranayake, một chuyên gia thỉnh giảng tại Viện Hòa bình Mỹ, nhận định rằng chính sách mới ở Sri Lanka cho thấy các quốc gia nhỏ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc quyết định khả năng tiếp cận quân sự của các cường quốc vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sri Lanka từ lâu đã đóng vai trò là điểm dừng chân của các tàu thương mại, dân sự và quân sự nhờ vị trí đắc địa của nước này dọc theo các tuyến đường biển đông-tây ở trung tâm Ấn Độ Dương.

"Nhưng quy trình vận hành tiêu chuẩn mới (SOP) của đất nước xác định tàu và máy bay quân sự và phi quân sự nào có thể đến thăm đất nước kể từ bây giờ", bà Samaranayake chỉ ra.

Các cuộc thảo luận về SOP nổ ra sau khi tàu theo dõi tên lửa và vệ tinh của Trung Quốc, Yuan Wang 5, đến thăm cảng Hambantota ở phía nam Sri Lanka vào tháng 8 năm 2022, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Ấn Độ.

Sự phản đối của Ấn Độ đã làm dấy lên một loạt các hoạt động ngoại giao liên quan đến Trung Quốc và Mỹ, và chuyến thăm của con tàu này vẫn được tiến hành, mặc dù muộn hơn 5 ngày so với dự kiến.

Vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Papua New Guinea để ký một thỏa thuận an ninh mới cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 6 cảng và sân bay địa phương trong thời gian 15 năm.

Bà Samaranayake cho biết, các động thái này cho thấy “sự cần thiết phải có quyền tiếp cận lớn hơn của Mỹ và đồng minh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn”.

"Tuy nhiên, trong khi các quốc gia nhỏ hơn dường như đang giành được đòn bẩy với sự chú ý nhiều hơn, khả năng linh hoạt trong việc thực hiện chính sách đối ngoại ưa thích của họ thường bị hạn chế do nhu cầu về nguồn lực để giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế và các mối lo ngại về an ninh phi truyền thống", vị chuyên gia nhận định.

Theo Nikkei Asia
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.