Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ ra biển từ thứ Năm tuần này. Nhưng đây không phải là loại nước thải thông thường mà là nước từng được dùng để làm mát các lò phản ứng bị hỏng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, vốn bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần hơn một thập kỷ trước.
Nhật Bản tuyên bố rằng nước thải này an toàn. Trong khi đó, các nước láng giềng và nhiều chuyên gia khác cho rằng lượng nước thải này sẽ đe dọa môi trường biển trong nhiều thế hệ và có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái Thái Bình Dương.
Ai đúng?
Sau trận động đất mạnh 9,1 độ richter ngoài khơi bờ biển phía đông Nhật Bản xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, hai đợt sóng thần ập vào nhà máy hạt nhân. Khi ba lò phản ứng chính tan chảy, những người vận hành bắt đầu bơm nước biển vào để làm mát nhiên liệu. Hơn 12 năm sau, quá trình làm mát đã tạo ra hơn 130 tấn nước bị ô nhiễm mỗi ngày.
Kể từ khi xảy ra sự việc, hơn 1,3 triệu tấn nước thải hạt nhân đã được thu gom, xử lý và lưu giữ trong bể chứa của nhà máy. Chính phủ Nhật Bản cho biết, các bể chứa đó sắp cạn kiệt và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu xả nước trở lại Thái Bình Dương.
Kế hoạch xả thải của Nhật Bản sẽ diễn ra trong ba thập kỷ tới, mặc dù một số chuyên gia cho rằng có thể mất nhiều thời gian hơn do nước vẫn đang trong quá trình xử lý. Trong khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đảm bảo tính an toàn của kế hoạch này thì một số nước láng giềng của Nhật Bản lại chỉ trích nó.
Một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gọi đây là rủi ro “đối với toàn nhân loại” và cáo buộc Nhật Bản sử dụng Thái Bình Dương làm “cống thoát nước”. Người đứng đầu Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một tổ chức đại diện cho 18 quốc đảo đã ví việc Nhật Bản xả thải như một “chiếc hộp Pandora”. Ngày 15/5, một số quan chức Hàn Quốc đã phản ứng trước lập trường của chính phủ Nhật Bản khi cho rằng thứ nước thải phóng xạ đủ an toàn để uống: “Nếu đủ an toàn để uống, họ nên dùng nó làm nước uống”.
Giờ đây, các nhà khoa học Mỹ đang dấy lên mối lo ngại rằng sinh vật biển và các dòng hải lưu có thể mang các đồng vị phóng xạ có hại đi khắp Thái Bình Dương.
Robert Richmond, giám đốc Phòng thí nghiệm Hàng hải Kewalo tại Đại học Hawaii, cho biết: “Đây là một sự kiện xuyên biên giới và xuyên thế hệ. Bất cứ thứ gì được thải ra biển ngoài khơi Fukushima sẽ không ở yên một chỗ”.
Ông Richmond trích dẫn các nghiên cứu cho thấy hạt nhân phóng xạ và mảnh vỡ trong tai nạn Fukushima đầu tiên đã nhanh chóng được phát hiện cách bờ biển California gần 9 km. Ông cho biết các phóng xạ trong nước thải có thể một lần nữa lan rộng khắp đại dương.
Các hạt nhân phóng xạ có thể được các dòng hải lưu mang theo, đặc biệt là dòng Kuroshio xuyên Thái Bình Dương. Động vật biển di cư khoảng cách xa cũng có thể làm lây lan chúng.
Một nghiên cứu năm 2012 trích dẫn “bằng chứng rõ ràng” rằng cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương mang theo hạt nhân phóng xạ có nguồn gốc từ Fukushima đã đến bờ biển San Diego trong vòng 6 tháng kể từ sự cố năm 2011.
Ông Richmond nhấn mạnh rằng sinh vật phù du, vốn là nền tảng của chuỗi thức ăn cho tất cả sinh vật biển, có thể nhiễm phóng xạ từ nước thải. Khi ăn vào, những đồng vị đó có thể “tích tụ trong nhiều loại động vật không xương sống, cá, động vật có vú ở biển và con người”.
Ngoài ra, một nghiên cứu hồi đầu năm nay đề cập đến vi nhựa - các hạt nhựa nhỏ ngày càng lan rộng trong các đại dương – có thể là “con ngựa thành Troy” trong quá trình vận chuyển hạt nhân phóng xạ.
Dòng hải lưu có thể mang nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra xa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Các nhà khoa học ở một số quốc gia tại khu vực Thái Bình Dương lo ngại về tác động tiềm tàng của nó đối với chuỗi thức ăn và hệ sinh thái.
Ông Richmond cho biết, việc các nhà khoa học có thể tìm thấy dấu vết của các nguyên tố phóng xạ gần California sau vụ tai nạn năm 2011 “là dấu hiệu cho thấy những gì sẽ xảy ra” trong hàng thập kỷ xả nước thải ra đại dương.
Richmond cùng các cộng sự tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương gần đây kêu gọi Nhật Bản trì hoãn việc xả thải.
Tháng 12 vừa qua, Hiệp hội Phòng thí nghiệm Hàng hải Quốc gia của Mỹ đã đưa ra một tuyên bố phản đối việc lãng phí kế hoạch xả nước. Tổ chức này trích dẫn sự thiếu sót “dữ liệu khoa học đầy đủ và chính xác hỗ trợ cho khẳng định an toàn của Nhật Bản”. Tuyên bố cho biết, việc xả thải có thể đe dọa “vùng nước lớn nhất hành tinh, chứa sinh khối sinh vật lớn nhất bao gồm 70% thủy sản của thế giới”.
“Chúng ta sẽ không chết”
Ken Buesseler, nhà hóa học phóng xạ biển và cố vấn của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, cho biết vụ rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima vào Thái Bình Dương năm 2011 là tương đối lớn, nhưng ngay cả như vậy, mức độ được phát hiện ở bờ biển phía tây Bắc Mỹ “thấp hơn hàng triệu lần so với mức cao nhất ngoài khơi Nhật Bản, cao đến mức nguy hiểm trong những tháng đầu năm 2011”.
Bởi vì khoảng cách và thời gian làm giảm mức độ phóng xạ nên “Tôi không nghĩ rằng lượng phóng xạ thải ra sẽ tàn phá Thái Bình Dương một cách không thể cứu vãn được”, ông Buesseler nói. “Chúng ta sẽ không chết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không nên lo lắng”.
Ông Buesseler, người đặt câu hỏi về hiệu quả của hệ thống lọc nước thải trong việc loại bỏ tất cả các nguyên tố phóng xạ trong bể chứa của Nhật Bản, cho biết các bể chứa nước thải được lưu trữ có chứa các mức độ đồng vị phóng xạ khác nhau như Caesium-137, strontium-90 và tritium.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), chủ sở hữu và nhà điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima, sử dụng một hệ thống mà IAEA cho biết đã loại bỏ 62 loại đồng vị hạt nhân phóng xạ khác nhau, ngoại trừ tritium, một dạng phóng xạ của hydro.
Người phát ngôn của TEPCO cho biết trong tác động của việc xả thải đối với “công chúng và môi trường sẽ ở mức tối thiểu”. Toàn bộ nước thải sẽ được “làm sạch, lấy mẫu và kiểm tra lại nhiều lần để xác nhận rằng nồng độ chất phóng xạ nằm dưới tiêu chuẩn quy định” trước khi thải ra ngoài.
Theo người phát ngôn, mặc dù hệ thống lọc không thể loại bỏ triti, nhưng nước thải đã qua xử lý sẽ được pha loãng với nước biển cho đến khi chất thải có hàm lượng triti thấp hơn mức được thải ra “của các nhà máy điện hạt nhân khác ở cả Nhật Bản và trên thế giới”. Tritium là một đồng vị tương đối yếu, không thể xuyên qua da nhưng có thể gây hại khi nuốt phải.
Ông Buesseler cảnh báo rằng hệ thống lọc vẫn chưa “được chứng minh là luôn có hiệu quả”. Vị chuyên gia cho biết còn có “những nguyên tố rất đáng lo ngại… mà họ chưa thể làm sạch” chẳng hạn như Caesium và strontium-90, một đồng vị làm tăng nguy cơ ung thư xương và bệnh bạch cầu.
Sau khi kiểm tra dữ liệu của TEPCO về một số bể chứa nước thải, Buesseler và đồng nghiệp cho biết sau khi xử lý, nước thải vẫn chứa đồng vị phóng xạ với nồng độ thay đổi đáng kể giữa các bể. “Thật không công bằng khi nói rằng chúng đã bị loại bỏ thành công”, ông Buesseler nói.
Khi được hỏi về quan điểm đối với đề xuất xả thải của Nhật Bản, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự ủng hộ một cách thận trọng, khẳng định rằng Nhật Bản đã “minh bạch về quyết định của mình và dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu”.