Như thường lệ, tối 1/11, cô Wang, 36 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc dạy con học ở nhà. Tuy nhiên, người mẹ này không còn giữ được bình tĩnh khi giảng đi giảng lại một bài toán mà cậu con trai lớp 3 vẫn không hiểu.
"Tôi đã giảng giải rất nhiều lần, nhưng con vẫn không nắm được. Tôi tức điên lên. Đột nhiên, tim tôi đập thình thịch và tôi cảm thấy khó thở", cô Wang chia sẻ.
Cô Wang lập tức gọi chồng đưa vào viện thăm khám. Các bác sĩ tại bệnh viện Xinhua chẩn đoán cô bị nhồi máu cơ tim.
Trang Sin Chew Daily dẫn lời Yang Xiaoxue, bác sĩ chuyên khoa nội thuộc Bệnh viện Xinhua cho biết, bệnh nhân đã may mắn được đưa đi viện kịp thời. Nếu chậm trễ, cô có thể bị suy tim.
Theo bác sĩ Yang, chế độ ăn uống không lành mạnh và stress là hai nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở những bệnh nhân trẻ tuổi như cô Wang.
Sau khi qua cơn nguy kịch, cô Wang thừa nhận với các phóng viên rằng, bản thân thường xuyên rơi vào trạng thái bực tức khi hướng dẫn con làm bài tập mỗi tối. Song, cô chưa bao giờ nghĩ sẽ gặp phải hậu quả nghiêm trọng như vừa qua.
Mặc dù stress đôi khi không thể tránh được nhưng Florence Huang, một chuyên gia tâm lý ở Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo các bậc phụ huynh nên học cách kiểm soát cảm xúc của mình. Lí do vì, các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng hay cáu giận không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của chính các ông bố, bà mẹ mà còn tác động xấu tới con cái họ.
"Tình trạng giận dữ và hung hăng kéo dài ở nhà có thể gây tổn hại lòng tự trọng của bọn trẻ, dẫn đến việc tự trách, cảm giác xấu hổ, nhục nhã và bất lực", ông Huang giải thích.