“Khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), những kết quả mang lại hết sức to lớn, không những giải tỏa được áp lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, mà còn mang lại sự thoải mái, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân và doanh nghiệp”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh từng nói rằng, “nếu không cải cách thì chết”.
TTHC giảm mạnh
Hiện BHXH Việt Nam đang quản lý 14,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,87 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 84,48 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.
Cùng với đó, mỗi năm ngành BHXH phải giám định trên 170 triệu lượt hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; phải rà soát đến từng viên thuốc, từng dịch vụ.
Trong khi, số lượng cán bộ, viên chức không tăng tương ứng. Thậm chí, theo đề án "Đổi mới, sắp xếp bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2021, ngành BHXH sẽ giảm tối thiếu 10% biên chế (khoảng 2.000 người) so với tổng biên chế được giao của năm 2015.
Vì vậy, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT được xác định là giải pháp quan trọng để ngành BHXH hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại thời gian qua, nhất là 5 năm gần đây, toàn ngành BHXH đã tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và các hoạt động nghiệp vụ; thực hiện các phương thức giao dịch mới, hiện đại.
Trong 5 năm, số lượng TTHC mà ngành BHXH quản lý đã giảm trên 75%. Mới đây, BHXH Việt Nam vừa ban hành quyết định công bố thay thế, bãi bỏ 19 TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH bắt buộc, BHTN.
Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày và thẻ BHYT từ 7 ngày đều được rút ngắn xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày.
Số giờ thực hiện TTHC giảm mạnh từ 335 giờ xuống còn hơn 50 giờ và đang hướng đến giảm xuống còn 49 giờ. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán tài chính công đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch và hiệu quả…
Kết quả thực hiện cải cách TTHC của ngành BHXH đã được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao. Năm 2017, BHXH Việt Nam xếp thứ 2/20 về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, tăng 18 bậc so với năm 2016.
Tại Báo cáo “môi trường kinh doanh 2018” của Ngân hàng Thế giới, lần đầu tiên chỉ số về nộp thuế và BHXH tại Việt Nam nằm trong nhóm ASEAN+4, tăng 81 bậc so với năm 2017 và đạt vị trí thứ 86/190 trên thế giới (năm 2017 xếp ở vị trí 167).
Công khai, minh bạch, phấn đấu quản lý BHXH liên thông, hiện đại
Để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, BHXH đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, TP, trong năm 2019, phải thường xuyên tiến hành rà soát, đơn giản hoá và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành.
Ngành BHXH tiếp tục tăng cường đẩy mạnh việc cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các quy định về TTHC, không gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân.
Công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tiếp tục được duy trì, thực hiện hiệu quả thông qua bộ phận “một cửa” của cơ quan BHXH; tiếp nhận, kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH, đảm bảo việc thực hiện các quy định hành chính được công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
Đặc biệt, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm qua, khẩn trương xây dựng hệ sinh thái chuyển số của BHXH (dịch vụ tin nhắn (SMS), dịch vụ thanh toán trực tuyến, ứng dụng BHXH trên thiết bị di động, hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng, cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên đến cấp độ 4, nghiên cứu ứng dụng Bigdata, IA để khai phá các dữ liệu hiện có), phấn đầu đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu, tổ chức thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp bộ máy ngành BHXH theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Cùng với đó, thực hiện cải cách TTHC mạnh mẽ trong các công tác chi trả BHXH; tăng cường kiểm tra thực hiện cải cách TTHC, nhất là kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức trong ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm…