Ngày 22/10, tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối năm 2019 tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội), đại diện Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt phương án bảo tồn hợp lý, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên di sản văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố.
Cũng theo đại diện Viện Khảo cổ học, cụm di chỉ Vườn Chuối có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu các giai đoạn văn hóa thời đại kim khí phát triển liên tục từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn ở Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung. Với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đã được chứng thực qua nhiều lần khai quật, nghiên cứu từ trước đến nay, cụm di chỉ Vườn Chuối xứng đáng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa và xếp hạng là di tích khảo cổ học của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, dạng di chỉ tiền sơ sử phản ánh nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn như vậy tại Hà Nội không nhiều, hầu như đã bị xâm hại và “xóa sổ” hoàn toàn.
Cụm di chỉ Vườn Chuối được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969. Đợt khai quật mới nhất bắt đầu từ tháng 5/2019 đến nay, ở các hố thăm dò thuộc gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng tiếp tục cung cấp thêm nhiều tư liệu, góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của thời tiền sơ sử tại khu vực Hà Nội, trong đó có hơn chục vạn hiện vật là đồ đồng, đồ đá, đồ gốm cùng xương, răng động vật… và mộ táng, mang đặc trưng của các giai đoạn văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn.
Đặc biệt, trong các đợt khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện 15 mộ táng đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn với hai loại mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm. Đợt thăm dò, khai quật này cũng phát hiện thêm các loại hình di tích sinh hoạt cư trú như: Các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc… thuộc nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn. Nhóm di vật thu được khá phong phú.
Thống kê sơ bộ, các nhà khảo cổ đã thu được trên 1.000 hiện vật đồ đá với các nhóm loại hình: Công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hình hiện vật khác. Đồ đồng thu được 40 hiện vật thuộc các loại hình: Công cụ sản xuất (rìu, dao, kim, lưỡi câu…), vũ khí (giáo, mũi tên) và các hiện vật khác…
Các nhà khảo cổ học cũng đề xuất ba phương án bảo tồn cụm di chỉ Vườn Chuối gồm: Bảo tồn nguyên trạng; dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện; bảo tồn nửa phía Đông di chỉ, khai quật phía Tây di chỉ, đồng thời xây dựng hồ sơ di chỉ đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa.