Vào thời điểm được thăng chức đột ngột, mặc dù đã từng là Bí thư Thành ủy và cựu Thị trưởng Thượng Hải và đã từng là ủy viên Bộ Chính trị trong hai năm, nhưng ông Giang là một nhân vật tương đối được ít người biết đến, ngay cả ở Trung Quốc.
Ông hầu như không có bất kỳ người "đỡ đầu" chính trị cấp cao nào, không có quan hệ thực sự với các phe phái chính trong đảng, không có quan hệ với quân đội và không có "thành trì" chính trị nào khác ngoài Thượng Hải. Giang được Đặng Tiểu Bình đích thân lựa chọn theo đề nghị của các nguyên lão khác trong đảng, vì ông là một ứng cử viên có tính cách ôn hòa.
Tuy nhiên, Giang Trạch Dân, người mới qua đời vào ngày hôm qua ở tuổi 96, đã chứng tỏ sức mạnh bền bỉ đáng nể. Ông nắm quyền lãnh đạo trong suốt 15 năm cho đến khi từ bỏ chức vụ cuối cùng của mình là Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 2004.
Ngay cả sau khi bị buộc phải nghỉ hưu, ông Giang vẫn giữ sức ảnh hưởng vô cùng to lớn trong nội bộ đảng, có thể tác động tới các chính sách và đội ngũ giới tinh hoa trong hầu hết nhiệm kỳ của người kế nhiệm ông, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Chính Giang Trạch Dân được cho là đã phê chuẩn việc đề bạt Tập Cận Bình vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2007. Mặc dù không thể nói rằng Tập là một trong những người được Giang bảo trợ, nhưng nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đã ở trong tầm ngắm của Giang ít nhất từ những năm 2000.
Giang Trạch Dân và vợ thường đi nghỉ mát ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, vốn là "thành trì" của Tập. Ông Giang cũng đã đến để quan sát “mô hình Chiết Giang” - mô hình phát triển kinh tế do khu vực tư nhân định hướng của Tập. Trong những năm cuối đời, Giang không công khai nói gì về vai trò của ông Tập trong nền chính trị Trung Quốc đương đại. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những động thái củng cố quyền lực của ông Tập khiến vị nguyên lão phật lòng. Khi đề cập đến cả chính sách và phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc có những điểm khác biệt hoàn toàn so với Giang Trạch Dân.
Nhà lãnh đạo sôi nổi và tinh tế
Vào đầu nhiệm kỳ của mình, do hầu như không được biết đến nhiều, ông Giang đã bị gán cho biệt danh là "lọ hoa" - một vật trang trí thuần túy. Ấn tượng ban đầu của người nước ngoài về Giang là một quan chức buồn tẻ, thiếu nhạy bén và cá tính. Nhưng khi thời gian trôi qua và Giang củng cố quyền lực trong nước và giành được sự kính trọng ở nước ngoài, rõ ràng những mô tả ban đầu về ông là hoàn toàn sai lệch.
Giang Trạch Dân dần được biết đến như một nhà lãnh đạo sôi nổi và hoạt bát, ông thích giao du và không ngại phô diễn tài năng của mình. Ông có nền tảng giáo dục tốt, một trí thức có hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực và văn hóa nước ngoài. Không phải là một nhà lãnh đạo quan liêu, Giang có những ý tưởng sáng suốt của riêng mình. Ông hiểu sự phức tạp của hiện đại hóa khoa học và công nghiệp, đồng thời thành thạo nghệ thuật tạo dựng các liên minh quan liêu và cân bằng các phe đối lập. Ông có cảm nhận sâu sắc về sự cân bằng giữa kiểm soát và khoan dung trong chính trị, kinh tế và xã hội.
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Dương Châu, một thành phố ở miền Trung gần sông Trường Giang. Ở trường cấp hai, ông được tiếp xúc với nhiều loại văn học, triết học, lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài, khoa học và âm nhạc. Ông có thể chơi đàn nhị và đàn dương cầm thành thạo. Giang Trạch Dân cũng say mê chơi vĩ cầm và thích ca hát. Các Tiết mục của ông trải dài từ những bản tình ca của Elvis Presley đến opera Ý. Khi giọng nam cao Luciano Pavarotti đến thăm Bắc Kinh vào năm 2001, Giang đã cùng nam ca sĩ song ca bài “O Sole Mio".
Nền giáo dục ở Dương Châu khi đó chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chương trình giảng dạy phương Tây. Sau đó, ông bắt đầu học tiếng Anh, chủ yếu bằng cách lặp lại các bài phát biểu như Diễn văn Gettysburg, bài diễn văn mà sau này ông rất vui khi đọc lại trước các quan chức Mỹ. Giang coi đây là giai đoạn “tư sản” trong quá trình giáo dục của mình.
Giống như nhiều trí thức trong thời kỳ Quốc dân đảng, ông tin rằng chỉ có khoa học phương Tây mới có thể hiện đại hóa Trung Quốc. Thế hệ của ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quan điểm tự do của Phong trào Ngũ Tứ trong những năm 1920, phong trào dân tộc chủ nghĩa đại chúng đầu tiên của Trung Quốc, phong trào này cũng coi khoa học và dân chủ là phương thuốc để vực dậy một Trung Quốc yếu đuối và lạc hậu.
Giang học ngành kỹ thuật điện tại Đại học Quốc lập Trung ương danh tiếng ở Nam Kinh và tốt nghiệp năm 1947. Tất cả các lớp học, giáo trình của ông đều được dạy bằng tiếng Anh, do đó Giang càng có cơ sở vững chắc hơn với ngôn ngữ này. Ông cũng liên tục trau dồi vốn ngoại ngữ của mình bằng cách đọc văn học Anh và xem phim Mỹ. “Tôi đã được giáo dục rất nhiều về chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây", sau này ông nhớ lại.
Tiếng Anh của Giang không hề trôi chảy, nhưng nó đủ tốt để thực hiện những cuộc trò chuyện thô sơ trong suốt cuộc đời của ông. Đáng ngạc nhiên là nền tảng giáo dục phương Tây không khiến ông phải trả giá đắt về mặt chính trị trong nhiều chiến dịch chống phương Tây và chống trí thức dưới thời Mao Trạch Đông. Giang Trạch Dân cũng có một tấm bùa hộ mệnh đó là chú của mình, người đã nuôi dạy Giang, cũng là một liệt sĩ của Đảng Cộng sản. Hơn nữa, bản thân Giang đã sớm theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, trở thành một nhà hoạt động ủng hộ phong trào cộng sản trong những ngày còn học đại học và gia nhập đảng năm 1946.
Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Giang Trạch Dân bắt đầu sự nghiệp lâu dài của mình trong lĩnh vực công nghiệp nặng, được bổ nhiệm liên tiếp vào cơ quan hoạch định công nghiệp ở Thượng Hải, sau đó đến Bộ Công nghiệp thứ nhất ở Bắc Kinh. Năm 1955, Giang tới Liên Xô với tư cách là một trong 700 người được cử đi đào tạo về công nghiệp nặng.
Ông đã dành hai năm tại Xưởng ô tô Stalin bên ngoài Moscow, tận mắt chứng kiến cách vận hành của các dây chuyền sản xuất hàng loạt và cách thức hoạt động của nền kinh tế kế hoạch hóa nhà nước. Ông dần thông thạo tiếng Nga và đọc văn học Nga. Tất nhiên Giang trở nên say mê các bài hát Nga trong những buổi uống rượu vodka với các chuyên gia Liên Xô. Giang là hiện thân của thời kỳ đoàn kết Trung-Xô.
Sau khi trở về, Giang lại được phân tới làm việc tại khu phức hợp sản xuất xe ô tô Trường Xuân tại tỉnh Cát Lâm. Ông đã bắt đầu ba thập kỷ nghiên cứu cách thức làm việc của mình thông qua bộ máy kế hoạch hóa công nghiệp. Giang chuyên về điện tử và phục vụ trong các nhà xưởng chế tạo máy, vốn là trung tâm của tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc. Giống như hầu hết các cán bộ khác, Giang được gửi đến Trường cán bộ 7/5 trong 2 năm lao động chân tay dưới thời Cách mạng Văn hóa, nhưng vào năm 1971, ông tình cờ được cử ra nước ngoài để phục vụ với tư cách là sĩ quan liên lạc công nghiệp tại đại sứ quán Trung Quốc ở Romania.
Sự nghiệp đầu đời của Giang gắn liền với kinh tế công nghiệp, không phải chính trị. Chỉ đến giữa những năm 1980, ông mới giữ chức vụ hành chính đầu tiên trong đảng, là bí thư đảng ủy tại Bộ Điện tử năm 1984. Từ đó, ông được bổ nhiệm làm Thị trưởng Thượng Hải năm 1985 và sau đó là Bí thư Thành ủy vào hai năm sau. Giang đã khéo léo xoay sở để giải tán các cuộc biểu tình quy mô lớn vào tháng 5 năm 1989, lan rộng từ Bắc Kinh đến Thượng Hải và hàng chục thành phố khác trên khắp Trung Quốc, cũng như cho đóng cửa tờ World Economic Herald có quan điểm ngược với chính quyền. Những hành vi này đã khiến ông được Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác ở Bắc Kinh chú ý, những người lúc đó đang vật lộn tìm cách ổn định nội bộ đất nước. Theo khuyến nghị của các nguyên lão trong đảng, Đặng Tiểu Bình quyết định rằng Giang là người phù hợp để thay thế Triệu Tử Dương, nhà lãnh đạo đang dần trở nên thất sủng.
Chính trị gia thực thụ
Trong những năm đầu cầm quyền, Giang đã quản lý đất nước dưới cái bóng của Đặng Tiểu Bình, mặc dù Đặng tuyên bố nghỉ hưu. Nhưng Giang dần dần bắt đầu xây dựng cơ sở quyền lực và định hình chính sách cá nhân. Đó là một sự phát triển đáng ngạc nhiên đối với những người chỉ coi Giang là một "lọ hoa".
Vậy làm thế nào mà Giang lại trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông? Ông đã khéo léo biến xuất thân là một công chức của mình thành một lợi thế chính trị. Trung Quốc dù thống nhất dưới hệ thống của Đảng Cộng sản, nhưng vẫn bị phân chia theo địa lý, bè phái, sự bảo trợ và bộ máy quan liêu. Giang đã khắc phục những điểm yếu ban đầu của mình bằng cách nuôi dưỡng các nhóm lợi ích khác nhau trong các cơ quan đảng, chính phủ, quân đội và an ninh. Với mỗi bên, ông lắng nghe các mong muốn của họ và biến chúng thành lợi ích của mình, dung hòa các lợi ích của nhiều phái một cách hiệu quả. Sau đó, ông cung cấp nguồn lực phát triển và thăng cấp cho lãnh đạo các phái.
Bí quyết thành công trong bất kỳ hệ thống chính trị nào là khiến các cử tri tin rằng người lãnh đạo hiểu nhu cầu của họ, chia sẻ các ưu tiên của họ và sẽ ủng hộ họ, sau đó cung cấp cho họ các nguồn lực. Theo nghĩa này, có thể nói rằng Giang là chính trị gia thực sự đầu tiên của Trung Quốc, khác biệt với các bộ máy đương thời, chỉ thực hiện các chỉ thị và chính sách từ bên trên. Chính phương pháp này đã giúp Giang xây dựng được mối quan hệ thân thiết với giới tướng lĩnh, vốn trước đó chỉ là con số không. Trong năm đầu tiên nắm quyền, Giang đã đến thăm cả 7 quân khu và 4 tổng cục của quân đội, nói với giới tướng lĩnh những gì họ muốn nghe, thăng chức cho các sĩ quan và tăng ngân sách cùng nguồn lực cho quân đội hiện đại hóa. Đó là một chiến lược sắc sảo và nó cho phép Giang không chỉ duy trì quyền lực mà còn đạt được nhiều thành tựu lớn.
Trong nhiệm kỳ của mình, Giang đã đạt được một số thành công đáng chú ý: vượt qua sự cô lập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, chủ trì việc trao trả Hong Kong vào năm 1997, khôi phục ổn định chính trị trong nước, chứng kiến gian đoạn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong lịch sử đất nước, nâng cao mức sống xã hội, hiện đại hóa quân đội và khởi động lại một loạt cải cách chính trị mà tiêu biểu là “Ba đại diện”, một sáng kiến nhằm chiêu mộ giới tinh hoa doanh nghiệp và doanh nhân của Trung Quốc vào đảng.
Bắt đầu từ năm 1992, Giang là người đầu tiên khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc “vươn ra” thế giới. Ông đưa ra khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cùng năm đó. Tới năm 2000, ông đưa ra sáng kiến “Phát triển miền Tây” (một kế hoạch phát triển kinh tế các tỉnh phía tây bị cô lập của đất nước là Tây Tạng, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương). Ông cũng rất quan tâm đến công nghệ và đổi mới, khởi động “Chương trình nghìn nhân tài” vào năm 2008 để thu hút nhân lực nước ngoài đến Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo cởi mở
Giang Trạch Dân rõ ràng rất thích chính sách đối ngoại và ông đã đầu tư thời gian và sức lực của mình vào lĩnh vực này. Ông đặc biệt thích thú với các cuộc trao đổi song phương với các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Bắc Kinh, trong đó tính cách hướng ngoại của ông thường được thể hiện trước ống kính. Ông say sưa trò chuyện và chụp ảnh với các nhà lãnh đạo thế giới khác tại các diễn đàn đa phương.
Giang thường bỏ qua thông điệp vào những dịp như vậy, phớt lờ các quan điểm chính thức và nói chuyện một cách hào phóng, sau đó các phụ tá của ông thường gửi một văn bản đã được chuẩn bị sẵn cho phía đối tác để lưu lại làm văn kiện chính thức.
Ông Giang, người nổi tiếng với điệu cười khúc khích, là một nhà lãnh đạo Trung Quốc thích giao du, khác xa so với những người tiền nhiệm vốn tuân thủ các kế hoạch chặt chẽ. Ông cũng có thói quen chải tóc ở chỗ đông người.
Một trong những thành tựu đối ngoại tiêu biểu của Giang Trạch Dân là hàn gắn quan hệ với Mỹ. Giai đoạn 1996-1997, ông và Tổng thống Bill Clinton đã có những chuyến thăm cấp nhà nước ấn tượng.
Thành công lớn khác của Giang liên quan đến quan hệ với Moscow. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình vào năm 1991, Giang Trạch Dân đã chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô. Giang nhanh chóng thực hiện các chuyến thăm cấp nhà nước với tân tổng thống Nga Boris Yeltsin và khởi xướng một loạt thỏa thuận song phương sâu rộng với Moscow từ năm 1992 đến 1997. Khả năng nói tiếng Nga lưu loát và vốn kiến thức mà ông có được trong những năm 1950 đã giúp ích rất nhiều cho các chuyến thăm.
Trong khi đó, đằng sau hậu trường, Giang giám sát một nghiên cứu có hệ thống về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và những bài học rút ra cho Trung Quốc. Được giám sát bởi cánh tay phải của Giang, Tăng Khánh Hồng, dự án nghiên cứu miệt mài này không dẫn đến sự đồng thuận mà dẫn đến hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về những sai lầm ở Liên Xô và do đó, Trung Quốc nên đi theo con đường nào.
Một trường phái tư tưởng cho rằng nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, hoàn toàn có lỗi trong sự sụp đổ của hệ thống và Đảng Cộng sản Liên Xô không nên tự do hóa hệ thống và xã hội cũng như tách đảng ra khỏi lực lượng vũ trang. Phe bảo thủ này kết luận phải chống lại sự thôi thúc cải cách và thay vào đó thắt chặt hệ thống hiện tại.
Trường phái tư tưởng khác lại cho rằng Liên Xô sụp đổ vì thể chế xơ cứng, kéo dài hàng chục năm bắt đầu dưới thời Stalin và vấn đề không phải là Gorbachev đã tiến hành cải cách mà là Liên Xô đã thay đổi quá muộn đến mức hệ thống không thể thích nghi với cải cách. Phe tự do kết luận nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn tránh đi theo vết xe đổ của Liên Xô thì các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc phải cải cách và mở cửa một cách cẩn trọng.
Chính quan điểm thứ hai này đã được Giang tán thành và quan điểm đó cuối cùng đã thắng thế trong thời gian ông nắm quyền. Vì vậy, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt các cải cách thể chế. Chính quyền trung ương trở nên phản ứng nhanh hơn với dư luận, nới lỏng sự kiểm soát đối với xã hội, chấp nhận tư tưởng tương đối cởi mở trong truyền thông và các quyền tự do trí tuệ, cho phép các cơ chế phản biện trong đảng và trở nên minh bạch hơn trong việc hoạch định các chính sách của chính phủ.
Bất chấp những cải cách này, thành tích trong nước của Giang Trạch Dân không phải là một chiến thắng thuần túy. Đúng là ông đã vượt xa những kỳ vọng ban đầu và để lại một di sản về sự chuyển đổi ấn tượng trong mọi lĩnh vực, từ quân đội đến giáo dục, công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, cũng chính dưới thời của ông, sự bất bình đẳng xã hội ngày càng sâu sắc, với hệ số Gini của đất nước tăng từ 0,35 khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền vào năm 1989 lên 0,45 vào năm 2002 khi ông rời khỏi chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.
Vấn nạn tham nhũng và tỷ lệ tội phạm gia tăng rõ rệt. Chính quyền Giang Trạch Dân cũng không ngần ngại thực hiện một loạt các chiến dịch, được thực hiện dưới khẩu hiệu “tấn công mạnh mẽ”, chống lại một loạt tội phạm trong suốt những năm 1990. Ông cũng phát động một chiến dịch sâu rộng để tác động tới tư tưởng của giới trẻ Trung Quốc thông qua Chiến dịch Giáo dục Yêu nước.
Về tổng thể, sự nghiệp chính trị của Giang đã rất thành công. Ông hóa ra không phải là một "lọ hoa". Thời đại Giang Trạch Dân được nhớ đến bởi sự cởi mở và Trung Quốc thu hút được sự chú ý tích cực từ dư luạn quốc tế.
Người ngoài không biết Giang khi còn sống thực sự nghĩ gì về Trung Quốc đương thời và mối quan hệ của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình. Một vài lần Giang đã xuất hiện bên cạnh Tập trong các dịp lễ chính thức, nhưng giữa hai nhà lãnh đạo không cho thấy mối quan hệ thân thiết.
Xét cho cùng, cả hai đã có những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về sự sụp đổ của Liên Xô và những bài học rút ra cho Trung Quốc và đảng, chính điều này đã ảnh hưởng tới phong cách quản lý đất nước của hai nhà lãnh đạo.