Bối cảnh và ý nghĩa lịch sử
Trong suốt thời gian Hàn Quốc nằm dưới chế độ độc tài của Tổng thống Park Chung-hee (1961 - 1979), và tiếp sau đó là thời kỳ thiết quân luật và độc tài của chính quyền quân đội Chun Doo-hwan, nhiều cuộc biểu tình do sinh viên tổ chức đã nổ ra khắp cả nước. Do Gwangju là thành phố có nền kinh tế yếu ớt, chính quyền đã coi nơi đây là phép thử cho binh đoàn Chân Tâm (True heart) được thành lập để đặc biệt đối phó với các cuộc biểu tình sinh viên.
Sáng ngày 18/5/1980, quân đội tiến vào thành phố, tiếp cận Đại học Chonan, bắt bớ và trấn áp, xả súng vào đoàn sinh viên đang biểu tình ôn hoà. Cuộc chiến kéo dài từ 18/5 đến 27/5/1980. Sinh viên và người dân đã đoàn kết và đẩy lùi quân đội ra khỏi thành phố, nhưng sau cùng thất thủ, quân đội tái chiếm lại được Gwangju sau khi tiến hành phong toả, sử dụng xe tăng, trực thăng quân sự bắn giết đánh đập và bắt bớ hàng ngàn người. Rất nhiều thương vong, hàng trăm người bị bắt giữ, tra tấn, mất tích, hàng ngàn người bị thương để bảo vệ tự do và dân chủ.
Cuộc nổi dậy này về sau bị chính quyền bôi đen và gán cho là bạo loạn do vấn đề kinh tế của dân địa phương. Những thành phần tham gia, chủ yếu là sinh viên, đã bị gán ghép là chống đối và khủng bố. Tình trạng này chỉ chấm dứt vào năm 1992, khi một nhà đấu tranh dân chủ, Kim Yong-sam, được bầu làm tổng thống, người dân Gwangju mới thoát khỏi mặc cảm nhiều năm trời những mất mát và hy sinh của họ bị chối bỏ.
Gwangju và cả Hàn Quốc vẫn luôn luôn nỗ lực đấu trang tìm cách đòi lại danh dự cho những người đã nằm xuống. Đến năm 1997, cuộc nổi dậy Gwangju được Chính phủ coi là ngày lễ được tưởng niệm trên khắp cả nước.
Năm 2011, đáp lại những nỗ lực của Gwangju, UNESCO đã công nhận cuộc nổi dậy tại Gwangju là một Ký ức của Thế giới (Memory of The World). Theo UNESCO, cuộc nổi dậy dân chủ ngày 18 tháng 5 không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong quá trình dân chủ hóa tại Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác ở Đông Á bằng cách giải thể cấu trúc Chiến tranh Lạnh và đạt được dân chủ. Sau những năm 1980, nhiều phong trào dân chủ đã diễn ra ở Philippines, Thái Lan và các nơi khác trong nỗ lực theo bước chân của Hàn Quốc. Các mục tư liệu liên quan đến Cuộc nổi dậy Gwangju được lưu trữ dưới dạng tài liệu, tranh ảnh... về cuộc nổi dậy của người dân, lệnh trừng phạt và bồi thường.
Năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in ký sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm sử dụng bài hát “Xuống đường vì quê hương thân yêu” tại buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân của cuộc nổi dậy tại Gwangju. Bài hát này đã từng được sinh viên Gwangju hát vang trong những ngày tháng 5/1980 như một biểu tượng chống lại nền cai trị độc tài và bị cấm sử dụng trong những dịp lễ kỷ niệm hàng năm bởi chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak từ năm 2009.
518 - Phong trào dân chủ Gwangju tái hiện qua văn hóa và cuộc sống thường nhật
Khi đến Gwangju, rất dễ dàng nhận thấy con số 518 hay những bức tượng đồng tái hiện hình ảnh những người dân Gwangju năm đó xuất hiện ở khắp nơi. Hàng năm, chính quyền thành phố sẽ tổ chức cho học sinh, sinh viên Gwangju đến thăm các di tích lịch sử của Phong trào Dân chủ 18-5 như Văn phòng Chính phủ tỉnh Jeonnam cũ, Nghĩa trang Dân chủ 5/18 và Nghĩa trang Quốc gia Dân chủ Quốc gia (Nghĩa trang 18/5) cùng với các giáo viên và giảng viên. Đây là hình thức để lớp trẻ sau này sẽ luôn ghi nhớ về lịch sử và những mất mát đã qua của Gwangju.
Sự kiện này còn được nhắc đến một cách ẩn dụ trong những lời ca tiếng hát của Hàn Quốc. Đơn cử như bài hát “518-062” (2010) của Gloss (tên thật Min Yoongi, về sau gia nhập nhóm nhạc BTS và đổi nghệ danh thành Suga), tác giả tâm sự: “Bạn chắc hẳn sẽ nghĩ đến mã bưu điện khi nhìn thấy dãy số 518-062. Tôi đã tạo ra dãy số này để khiến mọi người nghĩ đến mã bưu điện. Tôi hy vọng bài hát 518-062 sẽ trở thành mã số mang thông điệp nhắc nhở mọi người rằng “Tôi sẽ không quên Phong trào dân chủ ngày 18.5”. Hay như bài hát “Ma City” (2015) của nhóm nhạc BTS có đoạn viết về Gwangju do thành viên j-hope thể hiện: “Nếu muốn gặp tôi hãy đến lúc 7h, mọi người nhớ gọi số 518-062”, trong đó 7h tối chính là giới nghiêm chính phủ áp dụng thiết quân luật thời bấy giờ.
Kỷ niệm lần thứ 39 của Phong trào dân chủ Gwangju
Đánh dấu kỷ niệm 39 năm của Cuộc nổi dậy dân chủ ngày 18-5, một loạt các sự kiện kỷ niệm sẽ được tổ chức trên khắp đất nước Hàn Quốc. Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 cho biết rằng Hội đồng thành phố ngày 18-5 và các nhóm dân sự trên toàn quốc sẽ cùng nhau chuẩn bị các sự kiện văn hóa và kỷ niệm. Ước tính có 21 sự kiện lớn nhỏ trên toàn quốc.
Tại Gwangju, một loạt các sự kiện sẽ được tổ chức trong suốt tháng Năm. Vào thứ Năm, ngày 2/5, câu chuyện về những học sinh sinh viên năm 1980 sẽ được phát hành dưới dạng một cuốn sách và một buổi hòa nhạc kịch có tựa đề “Heo Chul Sun hát về tháng 5” sẽ diễn ra cho đến ngày 30/5. Hội đồng tác giả Gwangju-Jeonnam sẽ tổ chức một triển lãm và lễ trao giải về văn học và tinh thần ngày 18/5.
Tại Seoul, một buổi tưởng niệm và chiếu phim sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến 19/5 trong khi một màn trình diễn pansori (Pansori là một loại hình âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Đó là một buổi biểu diễn hát ả đào và gõ trống, được thực hiện bởi một ca nương gọi là sorikkun và một nhạc công gõ trống gọi là gosu. Từ “Pansori” được ghép từ “pan” và sori) sáng tạo có tên là Song of Yoon Sang Won sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng này.