Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thời gian qua Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; bệnh sởi và rubella được khống chế. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 94,8%, tỷ lệ tiêm đủ mũi vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 85%; Tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu đạt 74,4%; Tỷ lệ tiêm vaccine sởi-rubella cho trẻ 18 tháng đạt trên 90%...
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc vẫn duy trì tỷ lệ cao, tuy nhiên những thách thức mới đặt ra cho công tác tiêm chủng tại một số tỉnh, thành phố lớn là cha mẹ ngần ngại cho con đi tiêm chủng ngay cả khi con ốm nhẹ; cha mẹ chưa nắm được lịch tiêm chủng; e ngại phản ứng sau tiêm; từ chối tiêm chủng với quan điểm “Thuận với tự nhiên” là thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng. Đây là những lý do khiến nhiều trẻ không được tiêm chủng, bỏ sót mũi tiêm…
Khi tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc ngừng tiêm chủng, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh. Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vắc xin…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.
Cùng đó, khi ấy những bệnh dịch đã khống chế, loại trừ sẽ quay trở lại. Điển hình nhất là với dịch sởi, trong các năm 2013-2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn một trăm trẻ tử vong, khiến cho hầu hết các bậc cha mẹ lo lắng, sợ hãi. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt tình nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: Virút bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm. Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong… Bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%.
Tuần lễ tiêm chủng năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.
Tiêm chủng mở rộng góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của “Chương trình phát triển bền vững” của Tổ chức Y tế thế giới, bao gồm: Bao phủ sức khỏe toàn cầu, bảo vệ người dân trước các rủi ro về tài chính do chăm sóc sức khỏe, tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu một cách an toàn, hiệu quả, công bằng.