Dịch sốt xuất huyết bùng phát, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục họp khẩn

(Ngày Nay) - Trong những tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận số người mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng liên tục. Trước tình hình đó, chiều 10/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tổ chức cuộc họp phòng chống dịch SXH với sự tham gia của các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, Sở y tế Hà Nội.
Xe phun thuốc diệt muỗi của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trên đường Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội đêm 2/8. Ảnh: Ngọc Thành.
Xe phun thuốc diệt muỗi của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trên đường Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội đêm 2/8. Ảnh: Ngọc Thành.

Phòng dịch chưa triệt để

Bộ trưởng Bộ Y tế đặt câu hỏi: “Miền Bắc gần đây nóng lên, số ca mắc tăng nhanh, bệnh viện quá tải. Vì sao chúng ta làm nhiều giải pháp rất quyết liệt mà vẫn tăng số mắc, số tử vong, số nhập viện cứ tăng. Tại sao quyết liệt mà dịch không giảm lại tăng?”.

Theo Bộ trưởng phải làm rõ vì sao không thiếu máy móc, không thiếu tiền, làm đủ cách mà không dập được dịch, trả lời được câu hỏi đó mới mong hạn chế dịch. Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh yếu tố khách quan như thời tiết phức tạp còn phải nhắc đến yếu tố chủ quan như dù quyết liệt các biện pháp nhưng chưa triệt để khiến dịch tăng nhanh.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện số mắc tuần sau tăng hơn tuần trước. Theo ông Hạnh, trong thời gian tới khi hàng nghìn sinh viên trở lại Hà Nội để bắt đầu năm học mới thì số bệnh nhân sẽ tăng cao đột biến.

Hiện nay, tại nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn thành phố Hà Nội đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH nhập viện, điển hình như tại BV Nhiệt đới T.Ư, Bạch Mai, Đống Đa, Thanh Nhàn…

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện ở cơ sở I của BV có gần 346 bệnh nhân điều trị trong đó có 242 bệnh nhân SXH điều trị nội trú. Đây là những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, phải theo dõi diễn biến bệnh.

Tại cơ sở II (xã Kim Chung, Đông Anh) hiện có 29 bệnh nhân SXH. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận một lượng bệnh nhân đang điều trị các bệnh truyền nhiễm khác tại BV để dành cơ sở I điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH Dengue.

Trung bình trong thời gian gần đây, có 80% bệnh nhân đến BV Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư khám do bị SXH, trong đó khoảng 10-15% nhập viện điều trị nội trú. Để hạn chế tình trạng quá tải cũng như tạo những điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân BV đã có nhiều nỗ lực như mở thêm buồng khám, đơn vị lấy máu xét nghiệm ngay tại đơn nguyên tái khám cho bệnh nhân; dồn bệnh nhân một số khoa để dành giường cho bệnh nhân SXH.

Dịch sẽ tiếp tục bùng phát

Tại cuộc họp PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch bệnh tại Hà Nội đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, 22 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (51.742/17) số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp. Ngành Y tế dự báo thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho dịch phát triển.

Kết luận cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết để “hạ hoả” dịch phải dùng cả bình xịt muỗi bên cạnh việc diệt loăng quăng, chống muỗi đốt. Trong 7 ca tử vong ở Hà Nội có những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính khác. Bộ trưởng khuyến cáo không nên nhập viện khi bệnh trong giai đoạn có thể tự khỏi tại nhà, nhưng phải bổ sung nước đầy đủ, uống hạ sốt khi sốt cao.

Bộ trưởng đề nghị: “Cùng với 150 đội phun thuốc của Hà Nội cần huy động các tỉnh khác cùng hỗ trợ cho Hà Nội trong việc phun hoá chất diệt muỗi. Phải làm quyết liệt, phun ở chợ, trường học, bệnh viện và những nơi dân di cư, công trường. Những nơi cần thiết như chợ, đường phố cần dùng xe ô tô phun thuốc”.

Hiện Hà Nội chỉ có 2 xe phun thuốc nên Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội phải lo đủ 20 xe và thiết bị phun thuốc mới hy vọng dập dịch.

Hà Nội cân nhắc công bố dịch

Trong khi Hà Nam chỉ với gần 150 ca SXH nhưng đã công bố dịch, thì Hà Nội với hơn 13.000 ca mắc từ đầu năm đến nay vẫn chưa công bố dịch đang trở thành câu hỏi với nhiều người dân sinh sống tại Thủ đô.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói Hoàng Đức Hạnh: “Hà Nội đang làm hết sức mình, quyết liệt. Chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ tình hình dịch SXH, trong trường hợp cần thiết theo quy định và cân nhắc về tình hình kinh tế xã hội để có đề xuất việc làm các thủ tục công bố dịch cho phù hợp”.

Hà Nội vệ sinh toàn thành phố

Sáng 10/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn và quận Hoàng Mai. Ông Hải cho biết, năm nay dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội bùng phát sớm, số mắc tăng cao.

Đáng lo ngại là qua giám sát, mật độ muỗi sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố cao gấp 3 đến 3,5 lần so với bình thường, tốc độ lan rất nhanh. Về phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan của thành phố, các địa phương phải tuyên truyền mạnh hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân, để mỗi người dân tự biết phòng tránh sốt xuất huyết.

“Quá trình triển khai chống dịch phải kiên quyết xử phạt hành chính với người dân, tổ chức chống đối, không hợp tác với các cơ quan chuyên môn bởi như vậy là mối nguy cho toàn cộng đồng chứ không phải cá nhân mình nữa”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Tiền Phong
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.