Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, hướng tới mục tiêu định vị thương hiệu văn hóa, du lịch Thủ đô, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước.
Sẵn sàng cho Lễ hội Sen Hà Nội
Những ngày tháng 7 nắng nóng, các đầm sen ở quận Tây Hồ đã vào vụ thu hoạch. Ông Chu Đức Trọng, chủ “Đầm sen ông Trọng” cho biết, từ giữa tháng 6, khi biết tin UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo quận Tây Hồ tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội, chủ các đầm sen trên địa bàn quận Tây Hồ đã hối hả cho công tác chuẩn bị. Mặc dù sen bắt đầu nở từ tháng 5 nhưng hiện nay các đầm sen vẫn đang cố gắng duy trì độ xanh tươi của vườn để có đủ số lượng sen cho du khách thưởng ngoạn, chụp ảnh và trải nghiệm. Nhiều khu vực trang trí thêm một số điểm chụp ảnh và thưởng thức trà sen tại chỗ.
Tham gia Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất, nhiều cơ sở làm trà sen Hà Nội đã sẵn sàng những sản phẩm trà ướp sen đặc sắc mang tinh hoa trà sen Hà Nội. Bà Lưu Thị Hoàng Oanh, chủ cơ sở trà sen Bà Dần cho biết, gia đình bà đã chuẩn bị nhiều sản phẩm trà sen chất lượng, thành phẩm từ nhiều công đoạn chọn lọc, ủ, ướp tỉ mỉ để giới thiệu tới du khách. “Lễ hội Sen Hà Nội lần này sẽ góp phần quảng bá tinh hoa sen Hà Thành cũng như động viên các nghệ nhân trong việc gìn giữ nghề của cha ông. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với du khách kinh nghiệm ướp trà và câu chuyện giữ nghề của gia đình mình”, bà Lưu Thị Hoàng Oanh bày tỏ.
Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 được tổ chức trong 5 ngày, từ 12 - 16/7 tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội). Các hoạt động chính của lễ hội gồm: Lễ khai mạc; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; trưng bày không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm về sen; hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ; ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với sự tham gia của 7.000 người...
Một trong những điểm nhấn nổi bật của lễ hội là lễ khai mạc với chương trình trình diễn nghệ thuật bán thực cảnh tại không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Tổng đạo diễn chương trình Việt Đặng cho biết, chương trình diễn ra trên sân khấu nổi, với sự tham của 1.200 diễn viên chuyên và không chuyên cùng các ứng dụng công nghệ chiếu mapping ánh sáng dưới nước độc đáo. Với 4 chương nội dung, màn trình diễn tập trung tôn vinh sức sống của cây sen, qua đó truyền tải thông điệp về tinh hoa, văn hóa người Hà Nội. "Hiện sân khấu nổi trên mặt nước đã hoàn thiện phần lắp đặt, bảo đảm an toàn. Chúng tôi kỳ vọng, sau lễ hội, chương trình sẽ được nâng cấp để trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch phục vụ du khách vào buổi tối tại hồ Tây”, ông Việt Đặng chia sẻ.
Tinh hoa sen Hà thành
Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc do UBND quận Tây Hồ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức. Theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, đây là một trong những hoạt động thiết thực mà quận Tây Hồ thực hiện, nhằm hiện thực hóa Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3- 2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, từ đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô.
Để góp phần cho Ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” thành công tốt đẹp, hiện nay, Đoàn thanh niên quận Tây Hồ đang tuyển tình nguyện viên cho lễ hội. Công việc chủ yếu là phụ trách quản lý các đoàn diễu hành xe đạp. Số lượng tình nguyện viên cần tuyển là 80 thanh niên tình nguyện, hiện đã có hơn 40 thanh niên đăng ký. Ngoài ra, chương trình cũng tuyển 100 thanh niên, cả nam và nữ tham gia đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ”.
Là đơn vị bảo trợ truyền thông cho Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, Báo Hànộimới đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá cho lễ hội. Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho biết, Báo Hànộimới sẽ đồng hành với quận Tây Hồ thực hiện tuyên truyền, quảng bá loạt sự kiện trong lễ hội, cùng những hoạt động của các nghệ nhân, làng trồng sen để lan tỏa giá trị của sen Hà Thành, góp phần xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của Hà Nội.
Đánh giá về ý nghĩa của Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hoa sen mang biểu tượng tinh thần, cốt cách, tâm hồn người Việt. Vì thế, việc Thủ đô Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen là rất cần thiết và nên tổ chức định kỳ hằng năm để không chỉ góp phần lan tỏa giá trị của hoa sen trong đời sống người Việt mà còn phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch, thương mại mang thương hiệu sen Việt ra thế giới.