Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, chiều 22/3, lãnh đạo Bộ Y tế nêu rõ,nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine Covid-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan mua, nhập khẩu, tiếp nhận, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine.
Vì vậy, thông tin nhiều người hiểu rằng các công ty được nhập vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam để tiêm, là không phù hợp với chủ trương tại nghị quyết 21.
Hiện các công ty sản xuất vaccine Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế. Những vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine mới được nhập, nhưng việc tiêm vaccine hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế. Quá trình này thực hiện theo đúng với tinh thần những người có rủi ro cao được tiêm trước; việc tiêm chủng do các cơ sở của ngành y tế thực hiện.
Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm, khi Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine Astra Zeneca, một số nước trên thế giới nghi ngại phản ứng phụ nên đã tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tiêm vaccine này. Nhưng Việt Nam ngay từ đầu đã triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Đây cũng là bước chuẩn bị cấp "giấy thông hành vaccine".
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 60 triệu liều vaccine Astra Zeneca, bao gồm 30 triệu liều do chương trình Covax hỗ trợ; 30 triệu liều đặt mua. VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vaccine tại Việt Nam, cùng với Covax Facility và UNICEF.
Trong khi đó, ngày 22/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn về việc tăng cường, đa dạng hoá nguồn cung vắc xin phòng COVID-19. Theo Cục Quản lý dược khuyến nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục nỗi lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19.
Cùng với đó, các cơ sở sản xuất đẩy mạnh việc nghiên cứu và sản xuất ra vắc xin phòng chống COVID-19 trong thời gian sắp tới.