Đổ lỗi cho kinh tế khó khăn
Quy định doanh nghiệp chậm trả lương cho lao động (LĐ) phải trả lãi được ban hành từ bốn năm trước (Nghị định 47/2010), sau đó được quy định rõ hơn tại Nghị định 95/2013. Thế nhưng, việc thực hiện chính sách này như thế nào thì ngay cả cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng lúng túng.
Theo công bố mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến thời điểm hiện tại vẫn còn 20% số DN chưa có kế hoạch thưởng Tết và khoảng 40% số DN nợ lương. “Với việc nợ lương cuối năm, nếu DN có hoàn cảnh khó khăn, bất khả kháng thì chủ và NLĐ phải thỏa thuận, cam kết với nhau. Nếu DN nào đó cố tình không trả lương cho NLĐ thì bộ sẽ phải thanh tra và có hình thức xử phạt”, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng LĐ-TB&XH cho biết.
Tuy nhiên trên thực tế, dù có số liệu liên quan nợ lương, chậm lương của NLĐ nhưng chưa thấy bất cứ một số liệu, hay báo cáo nào cho thấy các DN chậm lương, nợ lương NLĐ bị xử lý.
Ông Phạm Tiến Tùng, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau nhiều lần đi thanh tra, giám sát về thực hiện Bộ luật Lao động cũng như các vấn đề mà bộ quản lý thì một trong những sai phạm phổ biến nhất trong các DN chính là vấn đề chậm lương và nợ lương. “Phần lớn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều xây dựng thang bảng lương chỉ nhích hơn mức lương tối thiểu vùng một chút và đóng BHXH trên mức này, còn lại là chi các khoản mềm (tiền ăn ca, phụ cấp…) để trốn đóng BHXH. Hoặc vấn đề lương làm thêm giờ trong ngày nghỉ, ngày Tết... được tính không đúng, không đủ. Chính vì vậy mới có chuyện nhiều LĐ ở các khu công nghiệp lãn công tập thể”, ông Tùng nói.
Không chỉ khối DN FDI, khối DN nhà nước cũng mắc sai phạm phổ biến trong lĩnh vực tiền lương. Nhiều DN không xây dựng quỹ lương riêng trả cho viên chức mà sử dụng quỹ lương sản xuất. Lác đác, có DN trả lương dưới mức lương tối thiểu. Còn tại các DN vừa và nhỏ, một thanh tra chuyên ngành tiết lộ: “Nếu đụng vào đâu là “bắt” được ngay DN vi phạm”. Thế nhưng, hầu hết các DN từng vi phạm trả chậm lương, thậm chí phải nợ lương của NLĐ chưa hề bị xử phạt.
Lao động khu công nghiệp lĩnh lương qua thẻ. |
Công đoàn yếu, NLĐ dễ mủi lòng
Cũng như Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Vụ Lao động - Tiền lương cũng cho biết, trong nhiều năm qua, không có bất cứ một số liệu nào liên quan việc thanh tra, giám sát thực hiện tiền lương trong các DN. Mặc dù Bộ cũng đã có chỉ đạo các tỉnh báo cáo về tình hình nợ, chậm lương, yêu cầu DN thanh toán dứt điểm cho LĐ trước Tết Nguyên đán, tuy nhiên đến nay các địa phương cũng chưa có báo cáo cụ thể về vấn đề này.
Thực tế, tính theo lãi suất có kỳ hạn một tháng, nếu bị chậm trả lương 15 ngày thì một LĐ có mức lương năm triệu đồng chỉ nhận được 3.000 đồng tiền lãi. Con số này không phải lớn nhưng nếu DN có 10.000 LĐ, nợ lương từ một cho tới hai tháng thì số tiền lãi phải trả có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
Ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TX&BH) cho rằng, Bộ luật Lao động cũng như Nghị định hướng dẫn đều quy định xử lý nghiêm minh các sai phạm về vấn đề tiền lương. Nhưng trên thực tế, vấn đề xử phạt chậm trả tiền lương lại phụ thuộc rất nhiều vào việc thỏa thuận giữa NLĐ và DN với nhau. Nhiều trường hợp, nếu đơn hàng của DN chưa bán được thì cũng không có tiền trả cho LĐ bởi lẽ, nếu DN “chết” thì LĐ cũng khó mà sống sót(!). “Thực ra đây là cơ chế để tạo điều kiện cho DN bước qua giai đoạn khó khăn. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có thể bỏ qua một số trường hợp nhất định, khi có sự “thông cảm” của LĐ. Riêng trường hợp các cá nhân, nhân viên trong công ty cố tình nợ lương, sử dụng tiền lương vào mục đích khác bị phát hiện, thì ngoài xử phạt sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự”, ông Thành nói.
Nghị định mới hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể: Khi xảy ra tình trạng chậm lương, người LĐ có quyền có ý kiến, khiếu nại, tố cáo. Người LĐ có quyền ủy quyền cho công đoàn, để công đoàn cơ sở đòi quyền lợi cho người LĐ. Nếu LĐ và công đoàn không đòi thì đương nhiên số tiền đó thuộc về DN, còn tiền bị phạt sẽ được bổ sung ngân sách Nhà nước.
Thế nhưng, theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đúc kết về vấn đề này: Muốn xử lý DN chậm trả lương, nợ lương, trước hết NLĐ, công đoàn cơ sở phải chủ động có ý kiến. Công đoàn thì yếu, NLĐ nhiều khi lại mủi lòng trước sự khó khăn của DN nên mới không kiến nghị. Mà không kiến nghị thì cơ quan chức năng không thể nắm bắt để xử lý.
Chính vì thế, suốt bốn năm qua (kể từ khi có Nghị định 47/2010) các cơ quan nhà nước vẫn chưa có bất cứ kiến nghị, xử phạt một DN nào liên quan vấn đề chậm lương của LĐ. Nếu vậy, chẳng lẽ cứ để hòa cả làng (!).
>>> Xem thêm
Nhiều ông lớn đang "ngấp nghé" đại gia bia lớn nhất Việt Nam
Bảo hiểm VietinBank tăng trưởng vượt bậc năm 2014
Doanh nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp
Hợp tác cùng Thời nay