Doanh nghiệp viễn thông chặn hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong bảy tháng của năm 2024, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động chặn hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo (tăng dần từ 40.000 vào tháng 1/2024 tới 65.000 vào tháng 7/2024).
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, sáng 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó có nội dung đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông.

Xử lý 31 vụ sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết để xử lý triệt để SIM không chính chủ, hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác," cuộc gọi “rác," Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Bộ chỉ đạo doanh nghiệp theo dõi, giám sát tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua nhiều phương thức như: gọi điện, nhắn tin, website...

Việc thực hiện được chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2019 đến tháng 6/2022), bảo đảm các thuê bao có thông tin đầy đủ. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát, bảo đảm tất cả các thuê bao có thông tin đầy đủ.

Giai đoạn 2 (từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023), bảo đảm thông tin đúng, trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động kết nối Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó rà soát, xác thực, xử lý các trường hợp có thông tin không trùng khớp.

Các doanh nghiệp đã hoàn thành chuẩn hóa, đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xử lý 17 triệu SIM có thông tin không trùng khớp.

Doanh nghiệp viễn thông chặn hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo ảnh 1
Để kiểm tra số điện thoại của mình có thông tin thuê bao chính xác, chính chủ hay chưa, người dân có thể soạn tin nhắn TTTB gửi 1414. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Giai đoạn 3 (từ tháng 6/2023 đến tháng 2/2024), xử lý tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM. Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai xử lý các thuê bao thuộc tập đứng tên từ 10 SIM/1 giấy tờ.

Giai đoạn 4 (tháng 3/2024 đến nay), tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 82 đoàn thanh tra do Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao trên địa bàn cả nước đối với 8 doanh nghiệp viễn thông di động; chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM bất thường.

Ngày 20/8/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 8 kết luận thanh tra tại các doanh nghiệp viễn thông, tổng số tiền xử phạt trên 1,8 tỷ đồng.

Từ năm 2022 đến hết tháng 8/2024, Bộ đã tổ chức kết nối, điều phối các đơn vị trong ngành (Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông) phối hợp với lực lượng công an bắt giữ, xử lý 31 vụ sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo ngân hàng để lừa đảo, tin nhắn có nội dung đồi trụy.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) xử lý cuộc gọi rác dịch vụ điện thoại cố định tại 4 doanh nghiệp gồm: CMC, VNPT, Viettel, FPT, tổng số tiền xử phạt 420 triệu đồng.

Bảy tháng của năm 2024, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động chặn hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo (tăng dần từ 40.000 vào tháng 1/2024 tới 65.000 vào tháng 7/2024). Năm 2023, nhà mạng chặn trung bình 51.000 thuê bao/tháng.

Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động xác thực Cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ đang tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 877/BTTTT-CVT gửi các doanh nghiệp di động, trong đó nêu rõ, từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm, đồng thời sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp.

Từ ngày 12/5/2024 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) đã triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động, đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 3 doanh nghiệp viễn thông di động: Vietnamobile, VNSKY đình chỉ từ ngày 1/7/2024 đến ngày 31/8/2024; Mobicast đình chỉ từ ngày 6/6/2024 - ngày 5/8/2024.

Tăng cường chuẩn hóa thông tin thuê bao

Với sự phát triển của dịch vụ viễn thông, bên cạnh các mặt tích cực, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thực tế đã phát sinh các hành vi lợi dụng các ưu điểm (sự phổ cập, dễ tiếp cận, giá thành rẻ…) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật (cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo…), đây cũng là hiện tượng phổ biến trên thế giới.

Tương tự như việc ngăn chặn rác, xử lý tội phạm trong thực tế, để ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng, cần sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của chính người dân.

Bộ sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công an đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện việc đối soát trực tuyến các thuê bao phát triển mới với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tăng cường công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao và xử lý cơ bản tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước, góp phần xác định chính chủ.

Cùng với đó, Bộ thúc đẩy tăng cường triển khai Định danh cuộc gọi cho các cơ quan nhà nước; yêu cầu các doanh nghiệp phát triển các giải pháp bảo vệ khách hàng, phòng, chống tin nhắn “rác," cuộc gọi "rác," cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng thực hiện thông qua mạng viễn thông, mạng Internet.

Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân như không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, qua đường link trên email/SMS; không tải, sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc dẫn đến khả năng lộ lọt thông tin dữ liệu cá nhân…

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.