Vào chiều thứ Bảy hằng tuần, từ bến tàu tại khu vực Tượng đài sự kiện Tập kết năm 1954 (Phường 6, thành phố Cao Lãnh), du khách được trải nghiệm di chuyển bằng tàu để vượt sông Tiền đến với chợ quê Tân Thuận Đông, xã cù lao Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh. Hầu hết tiểu thương tại đây là người dân địa phương, hàng quán là những căn chòi nhỏ đơn sơ với mái lá, vách tre. Những món hàng được bày bán đều do người dân tự tay làm ra hay nuôi, trồng mà có được.
Nhiều du khách cho rằng, chợ quê Tân Thuận Đông là “thiên đường ăn uống” bởi có rất nhiều món ăn dân dã, thơm ngon, đậm chất miền Tây sông nước như cá lóc nướng trui, tôm nướng, chuột nướng, chuối nướng, bún cá, sữa sen, nước sâm… Anh Lê Đăng Khoa (Việt kiều Mỹ) chia sẻ, thỉnh thoảng anh mới về Việt Nam, anh rất ấn tượng khi đến với chợ quê Tân Thuận Đông vì không gian thoáng mát, bắt gặp những hình ảnh quen thuộc ở vùng nông thôn, sông nước mênh mông, vườn cây trĩu quả, đặc biệt là được thưởng thức nhiều món ăn ngon.
Chợ quê Tân Thuận Đông bày bán rất nhiều món bánh dân gian gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người như: bánh xèo, bánh khọt, bánh bò, bánh đúc… Lần đầu tiên đến chợ quê Tân Thuận Đông, bà Ngô Hồng Trang (61 tuổi) ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang tâm sự, lúc nhỏ, bà thường xuyên được mẹ dẫn đi chợ quê. Sau này, cuộc sống ngày càng hiện đại, bà không còn thấy cảnh chợ quê như ngày xưa. Bà rất thích khi đến chợ quê Tân Thuận Đông vì các tiểu thương gần gũi, mến khách và thức ăn, nước uống rất phong phú.
Cùng với những món ăn dân dã, tại chợ quê, người dân địa phương tham gia bày bán những mặt hàng “cây nhà lá vườn” với giá cả hợp lý. Bà Đặng Thị Kiều Hương ở xã Tân Thuận Đông cho biết, bà rất phấn khởi khi chính quyền địa phương tổ chức mở phiên chợ quê, làm bà nhớ lại ký ức tuổi thơ. Bà Hương tranh thủ thu hoạch một số loại quả mà gia đình đang trồng (cam, dừa, xoài…) để mang đến bán tại chợ, giúp bà có thêm nguồn thu nhập sau mỗi buổi chợ hơn 300.000 đồng.
Chợ quê Tân Thuận Đông hoạt động phiên đầu tiên vào tháng 12/2022 với 24 hộ dân tham gia trưng bày và mua bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, số hộ tham gia kinh doanh tại đây đã có hơn 60 hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông Phan Hoàng Huy cho biết, chợ quê hoạt động từ 14 giờ đến 20 giờ vào thứ Bảy hằng tuần, mỗi buổi chợ có từ 2.000 lượt khách trở lên. Đến nay, chợ quê Tân Thuận Đông đã thu hút hơn 105.000 lượt khách trong, ngoài tỉnh và khách nước ngoài đến tham quan, ăn uống với doanh thu nhiều tỷ đồng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, Sở đã phối hợp, hỗ trợ cho mô hình chợ quê Tân Thuận Đông, chợ quê Gò Tháp mang lại hiệu quả. Chợ quê là mô hình du lịch nhằm tái hiện lại không gian chợ quê xưa, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh; giúp tiêu thụ các sản phẩm, nhất là những nông sản có tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân và góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.
Từ mô hình chợ quê Tân Thuận Đông, chợ quê Gò Tháp, đến nay, một số địa phương khác trong tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện mô hình chợ quê như: chợ quê Long Thuận (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự), chợ quê Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò)… Trong quá trình tổ chức thực hiện chợ quê, chính quyền các địa phương chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật trự và phòng cháy, chữa cháy…
Chợ quê Long Thuận do UBND xã và Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận phối hợp tổ chức. Theo ông Dương Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, chợ quê nhằm tái hiện lại khung cảnh xưa với gần như đầy đủ món ăn “cây nhà lá vườn”, nhất là những món truyền thống, đồng quê. Tuy là chợ quê nhưng Ban Quản lý chợ quan tâm tuyên truyền, vận động người kinh doanh các mặt hàng ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Tại huyện Tháp Mười, chợ quê Gò Tháp (xã Tân Kiều) có nét đặc trưng riêng khi được tổ chức theo hình thức chợ quê xưa gắn với không gian sen tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Các gian hàng bài trí theo kiểu chợ truyền thống Nam Bộ với mái che lợp lá, quầy sạp làm từ tre, trúc, gỗ và trang trí bằng những chất liệu mộc mạc, đơn sơ có tại địa phương. Tại đây, du khách được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống, thơm ngon.
Theo Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp, đơn vị đã phối hợp UBND huyện Tháp Mười tổ chức thực hiện mô hình chợ quê, mỗi tháng, chợ hoạt động một lần vào thứ Bảy của tuần cuối cùng trong tháng. Những ngày Tết và lễ hội, chợ quê sẽ hoạt động trong thời gian dài hơn. Chợ quê Gò Tháp phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh, ăn uống kết hợp giao lưu văn hóa văn nghệ, đờn ca tài tử. Đến nay, qua 8 phiên hoạt động, chợ quê Gò Tháp thu hút hơn 101.000 lượt khách.
Từ lâu, hình ảnh chợ quê rất đỗi quen thuộc đối với cuộc sống thường nhật của nhiều người dân nông thôn vùng sông nước Cửu Long. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay, những phiên chợ quê gần gũi ngày càng ít đi. Đồng Tháp là một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long sớm có mô hình chợ quê. Các phiên chợ diễn ra đều đặn định kỳ hằng tuần hoặc hằng tháng. Việc này vừa giúp lưu giữ giá trị văn hóa xưa, vừa là loại hình du lịch cộng đồng mang đến nhiều điều thú vị, mới mẻ; bước đầu có hiệu quả, thu hút nhiều du khách gần xa.