Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Liên hoan. Ảnh: VGP |
Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 nhận được gần 500 tác phẩm dự thi thuộc 9 thể loại được sản xuất phổ biến tại các đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình là: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chương trình Chuyên đề-Khoa giáo, Chương trình Giao lưu-Đối thoại- Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ca múa nhạc, Chương trình Sân khấu và Phim truyện truyền hình. Trong đó, thể loại phóng sự tiếp tục thu hút nhiều tác phẩm tham gia nhất (151 tác phẩm). Đây cũng là thể loại có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị dự thi với rất nhiều đề tài phong phú, phản ánh bức tranh thời sự của nhiều địa phương cũng như những vấn đề nóng trên cả nước trong năm qua.
Điểm mới đáng chú ý là từ kỳ Liên hoan này, những phim truyện truyền hình có kịch bản chuyển thể hoặc phỏng theo tác phẩm văn học nước ngoài cũng được tham gia dự thi. Bên cạnh đó, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 cũng là năm đầu tiên thể loại phim tài liệu mở rộng xét giải với các phim tài liệu dài tập
Nắm bắt xu thế phát triển và đáp ứng sự quan tâm của những người làm truyền hình trong bối cảnh hiện nay, 2 hội thảo với chủ đề “Mạng xã hội và truyền hình”, “Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động, nhỏ gọn cho sản xuất chương trình” sẽ được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước và tinh thần khuyến khích đổi mới - bắt kịp xu hướng - hợp tác cùng phát triển.
Ban tổ chức tặng hoa đại diện các ban giám khảo. Ảnh: VGP |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc thành công tới Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 và bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của các loại hình báo chí nói chung, truyền hình nói riêng, đã góp phần hết sức quan trọng cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, những người làm báo, làm truyền hình cũng không ngừng trăn trở trước sự phát triển bùng nổ của thông tin mạng, đặc biệt của mạng xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hoá.
Theo Phó Thủ tướng, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, ngày càng đa dạng của nhân dân, thông tin phải nhanh, cực nhanh; phải chính xác, thậm chí tuyệt đối chính xác và hơn cả là luôn luôn phải có định hướng từ các nội dung chính trị đến văn hoá, thẩm mỹ. Trong khi đó thông tin trên internet, mạng xã hội tăng theo cấp số nhân, đa chiều.
Tuy nhiên, công nghệ, internet, mạng xã hội không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội. Phó Thủ tướng nêu ví dụ, trước đây khi nói đến truyền hình thì đó là hình ảnh những cột phát sóng chọc trời, những chiếc tivi cồng kềnh, một ê kíp đồ sộ với hàng tá thiết bị để có được một bản tin, một tác phẩm truyền hình. Bây giờ chỉ cần một nhóm rất nhỏ, có khi một phóng viên hay người bình thường với thiết bị thông minh, thậm chí chỉ là một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể làm ra được một tác phẩm truyền hình, xem được truyền hình ở mọi nơi, mọi lúc. Chưa kể tới trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn sẽ giúp sản xuất các chương trình truyền hình nhanh hơn, phù hợp với mọi đối tượng, đến được với công chúng cũng như nhận sự tương tác trở lại nhanh hơn.
Một tiết mục văn nghệ tại liên hoan. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng mong muốn những thách thức này sẽ được các phóng viên, biên tập viên, người làm truyền hình Việt Nam cùng nhau trao đổi, chia sẻ tại Liên hoan dưới góc nhìn lạc quan và biến thành cơ hội phát triển.
“Mạng internet, trí tuệ nhân tạo, hay công nghệ càng phát triển thì yếu tố con người càng quan trọng. Không chỉ là bản lĩnh, trình độ chuyên môn mà quan trọng hơn là cả tấm lòng”, Phó Thủ tướng chia sẻ và mong muốn những người làm truyền hình tiếp tục chọn lọc từ hàng triệu thông tin để kể những tin tức, câu chuyện chạm được vào lòng người thì tin tức đó, câu chuyện đó sẽ được lưu lại và lan truyền như chia sẻ của Nhà báo Tạ Bích Loan Trưởng Ban Thể thao Giải trí và Thông tin kinh tế (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam.