Dự án được thực hiện tại 4 xã vùng dự án ngọt hóa Gò Công nhiều khó khăn là: Vĩnh Hựu, Thạnh Trị (Gò Công Tây) và Tân Phước, Gia Thuận (Gò Công Đông) với quy mô 80 hộ nông dân tham gia, tổng diện tích canh tác trên 55 ha. Tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Dự án được triển khai nhằm đổi mới tư duy, nâng cao trình độ canh tác cho nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với tình hình mới hiện nay; hướng đến tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả thâm canh gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp hàng hóa ở địa phương.
Ông Huỳnh Công Minh cho biết, nhiều hoạt động đã được triển khai trong khuôn khổ dự án như: tổ chức hàng chục buổi tập huấn, tuyên truyền cho hàng ngàn lượt nông dân trong vùng dự án về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường, kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ, xử lý rơm rạ trong quá trình thu hoạch, quy trình canh tác theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… Qua đó, giảm thiểu những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường; tạo điều kiện phát triển bền vững hệ sinh thái đồng ruộng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp thông qua những giải pháp kỹ thuật chủ động và tích cực.
Nhận thấy lợi ích thiết thực của dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ mỗi ha tham gia dự án thêm 100 kg lúa giống, 54 kg phân hữu cơ; đồng thời từ nguồn kinh phí khuyến nông hỗ trợ các địa phương xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, chuyển giao những kỹ thuật thâm canh khoa học tiên tiến, thân thiện môi trường.
Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh còn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại HK tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác theo quy trình sản xuất khoa học, cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi, bao tiêu nông sản cho nông dân với giá cao hơn thị trường bên ngoài từ 50 - 100 đồng/kg; hỗ trợ thêm cho bà con 300.000 đồng/ha sau vụ canh tác, giúp giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận.
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, Dự án đã giúp nông dân tăng năng suất thêm bình quân 450 kg/ha, thu nhập tăng thêm bình quân 6,5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình; giảm chi phí từ 320.000 đồng đến 400.000 đồng/ha/vụ nhờ giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm công lao động bình quân 3,5 triệu đồng/ ha/vụ… Tham gia dự án, nông dân đã bắt đầu thay đổi tập quán canh tác, biết tổ chức lại sản xuất thân thiện môi trường thông qua những việc làm cụ thể như: thu gom, tái sử dụng lại rơm rạ để trồng nấm, trồng màu hoặc làm phân hữu cơ thay vì đốt đồng gây ô nhiễm, ảnh hưởng hệ sinh thái như trước đây; thu gom vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật…
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang Huỳnh Công Minh cho biết, từ kết quả tích cực trên, Dự án đã có 240 hộ nông dân tham gia trên diện tích gần 300 ha tại 8 xã ở hai huyện ven biển Gò Công Tây và Gò Công Đông, tăng gấp đôi về số xã so với ban đầu.