Thiếu trường học, khổ phụ huynh lẫn học sinh
Thị trấn Dầu Giây với hơn 30 ngàn dân cư, nhưng chỉ có duy nhất 1 trường là Trường tiểu học và THCS Lương Thế Vinh. Trường mới thành lập từ cơ sở vật chất của Trung Tâm dạy nghề ở khu trung tâm hành chính huyện bị giải thể. Trường có tổng cộng 18 lớp cả tiểu học và THCS. Trong đó: 8 lớp tiểu học và 10 lớp THCS.
Trường tiểu học và THCS Lương Thế Vinh |
“Chúng tôi rất khổ mỗi khi tuyển sinh đầu năm học, nhu cầu vào trường thì đông mà trường vốn là trung tâm GDTX nên không đủ chuẩn dạy phổ thông. Nhìn cảnh phụ huynh chầu chực từ đêm trước đến hôm sau để giữ chỗ cho con thầy cô chúng tôi ai cũng đau. Chúng tôi phải thay nhau trực và phục vụ phụ huynh cả đêm vậy”. – Thầy Trần Thanh Dạ Vỹ, Hiệu trưởng trường chia sẻ.
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Dầu Giây cho biết “Thị trấn đã có lên kế hoạch, sắp tới đây sẽ quy hoạch đất để xây dựng trường”.
Hiện trạng thiếu trường, thiếu lớp trên địa bàn thị trấn Dầu Giây gây nhiều khó khăn cho cả học sinh và phụ huynh. Nhiều người dân có nguyện vọng chuyển trường Lương Thế Vinh thành trường THCS để đáp ứng nhu cầu học sinh vào lớp 6 hiện nay trong thị trấn. Về việc này, ông Mai Văn Hiền (Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Thống Nhất) cho biết sẽ bàn bạc kỹ hơn với Uỷ ban Huyện.
Vấn đề trường học: Từ bất cập đến bất cập
Bất cập lớn nhất hiện nay là không không có đường để đến trường. Nguyên nhân do đầu tư giáo dục trên đất cao su. Phần đất làm đường nằm trên đất của Tổng công ty Cao Su nên chưa thể làm được. Mặc dù chưa có đấu thầu và bàn giao đất quanh trường làm khu dân cư nhưng huyện đã duyệt dự án cho xây dựng trường học mà không có đường đi.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo Ngày Nay đã phản ánh trường tiểu học và phổ thông trung học cơ sở Hùng Vương, trước đây trường thuộc địa bàn xã Xuân Thạnh nay chuyển sang địa bàn xã Hưng Lộc. Tiền thân là trường PT THCS Hùng Vương, trường xây dựng và dạy học được hơn 10 năm nhưng chưa làm được đường đến trường, dù chỉ cách đường nhựa có 200m. Giải thích vấn đề này, các lãnh đạo huyện cho biết, không thể đầu tư đường trên đất không phải là của mình.
Con đường đến trường khiến nhiều phụ huynh bức xúc |
Thêm một bất cập nữa là dự án trường Hùng Vương xây dựa vào đất cao su theo kế hoạch “phát triển dân cư tương lai”, việc đầu tư xây trường hơn 800 học sinh cấp 2 nhưng khi đó quy hoạch đất ở từ phần đất cao su chỉ mới nằm trên giấy. Việc xây dụng trường mới bỏ trường TTCS Hùng Vương cũ làm hơn một nửa học sinh của trường sống tại khu vực dân cư thị trấn Dầu Giây phải thuê xe đưa rước con em đến học tại trường PTCS Hùng Vương.
Một giáo viên dạy trong trường tâm sự: “Bao nhiêu năm dạy học sinh vùng đô thị mà tâm trạng cứ như đi dạy học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…, sáng đến trường muỗi bay, trưa nhìn bụi công trình khu công nghiệp Dầu Giây, buồn không thể tả!”
Với mục tiêu đầu tư xây dựng trường lớp, dồn ghép, sáp nhập đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy học mà Bộ Giáo Dục vừa đưa ra, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ nói : “dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1".
Với hệ thống trường học như trên việc tìm trường học thuận tiện cho con em luôn là chuyện rất cân tính của cư dân trong huyện.