Ngay từ giữa tháng Chạp, do dịch Covid-19 bùng phát vào đợt 4 tại Việt Nam nên nhiều công nhân mất thu nhập và chỉ trông chờ tiền thưởng Tết, tiền hỗ trợ lương tháng 13 theo Luật Lao động để về quê nghỉ Tết Nguyên đán. Một số doanh nghiệp tại Đồng Nai đã cắt giảm những khoản tiền trên khiến công nhân bức xúc.
Công nhân bị trừ vào lương nhiều khoản vô lý
Sáng 12/01, hơn 1.000 công nhân đã ra sân của Công ty TNHH Giày dép Hưng Đạt (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để đình công tập thể. Công nhân bức xúc do chưa được nhận lương tháng 12 dù đã trễ 2 ngày. Tiền thưởng tháng 13 không được thông báo để có kế hoạch về quê và chuẩn bị Tết. Các công nhân còn cho biết, họ không có tiền để ăn và trả tiền phòng trọ.
Vụ đình công xảy ra khiến Công an xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) đã có mặt để giữ trật tự và ghi nhận nguyện vọng của người dân. Đến 10h cùng ngày, vụ đình công vẫn đang được tiếp tục khi vắng bóng các cơ quan chức năng của huyện Trảng Bom.
Phóng viên Ngày Nay đã liên hệ với ông Lê Đức Thụy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom thì được biết, trên địa bàn huyện có 2 Khu Công nghiệp lớn là Sông Mây và Bàu Xéo. Hiện tại, chưa có phản ứng nào của công nhân về việc trả thưởng Tết.
Trường hợp ở Công ty THHH Giày dép Hưng Đạt mới xảy ra nên Liên đoàn Lao động của huyện chưa nắm được thông tin. Trên thực tế, có một số công ty chưa thông báo tiền thưởng và phần lớn các công ty đều giảm mức thưởng Tết so với năm trước.
Công nhân trong công ty TNHH Giày dép Hưng Đạt lãng công. |
Ông Thụy xác nhận: “Việc giảm phần nào thì có thể thông cảm vì dịch bệnh nhưng nếu công ty mà chỉ thưởng cho có, ngay cả chưa thông báo thì chúng tôi sẽ đôn đốc nhắc nhở.”
Trước đó, chiều 11/01, một số công nhân của Công ty TNHH Giày dép Hưng Đạt đã bắt đầu có dấu hiệu đình công. Nhiều thông tin nội bộ xuất hiện về tiền thưởng chuyên cần và Tết chỉ 500 ngàn đồng. Lý do, lãnh đạo doanh nghiệp trừ vào những ngày nghỉ dịch bệnh, nghỉ thai sản. Do đó, các công nhân sẽ không còn tiền thưởng.
Liên lạc với số điện thoại di động của ông Mai Anh Tú, Giám đốc Công ty Hưng Đạt thì đầu dây bên kia bắt máy là một phụ nữ. Người này xác nhận tình trạng đình công vì công nhân chưa được nhận thông báo tiền thưởng Tết.
Doanh nghiệp nói nguyên nhân giảm tiền thưởng do Covid-19
Những ngày gần đây, một số trường hợp đình công đã xảy ra liên quan đến tiền thưởng Tết và tiền lương tháng 13. Nhiều doanh nghiệp đưa ra nguyên nhân duy nhất về các khoản phụ cấp trên giảm nhiều so với mức được thụ hưởng của năm trước.
Lý giải việc này, các công ty xác nhận vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên không thể giữ mức tiền thưởng như mọi năm do lợi tức bị giảm sút. Theo thông báo của các doanh nghiệp, mức thưởng Tết của các công nhân bình quân được hưởng 1.5 tháng lương và so với những năm trước đó bình quân mỗi công nhân được hưởng 1.8 tháng lương.
Cụ thể, Công ty Pousung có hơn 30 ngàn công nhân, đông công nhân nhất Khu Công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) đã thông báo thưởng Tết cho công nhân mới vào chưa thâm niên từ 1 - 5 năm. Các năm trước, mức thưởng cho công nhân có thâm niên chỉ giới hạn từ 1 đến 2 năm. Những công nhân này chỉ được 1 tháng lương. Tức là, các công nhân chỉ có “lương tháng 13” mà không có tiền thưởng Tết.
Công nhân có thâm niên lâu năm nhất từ 12 năm trở lên được hưởng 1.54 tháng lương. So với các năm trước, đối với công nhân có thâm niên phải được hưởng 1.92 tháng lương. Việc cắt giảm tiền thưởng Tết đã khiến nhiều công nhân bức xúc nhưng phần lớn vẫn chấp nhận do doanh nghiệp trải qua một năm rất khó khăn.
Công nhân Công ty TNHH PouChen tràn ra Quốc lộ 1K để đình công liên quan đến tiền thưởng Tết. |
Tình trạng đình công có thể được xem là chưa có hồi kết tại tỉnh Đồng Nai như công nhân của Công ty TNHH PouChen (phường Hóa An, TP.Biên Hòa). Bắt đầu diễn ra từ ngày 07/01, công ty PouChen thông báo mức thưởng thấp nhất 1 tháng lương và cao nhất là 1.52 tháng lương. Đây là mức thưởng Tết thấp hơn khoảng 0.3 tháng lương so với năm 2021 nên hơn 1.000 công nhân đã tràn ra Quốc lộ 1K để đình công phản đối.
Lý do của một nữ công nhân đưa ra: “Đồng ý là năm nay doanh nghiệp rất khó khăn nhưng họ phải biết người làm công chúng tôi cũng rất khó khăn qua các tháng dịch bệnh do Covid-19. Nhiều công ty thiếu hụt lao động nhưng chúng tôi vẫn bám trụ. Dịp Tết sắp đến, chung tôi phải về quê và cần có một cái Tết tạm gọi là người đi làm về chứ?”.
Đến chiều 11/10, Công ty PouChen vẫn tuyên bố không nâng mức tiền thưởng nên công nhân vẫn tiếp tục đình công. Liên đoàn Lao động TP.Biên Hòa phối hợp với Công đoàn của công ty khuyên công nhân quay trở lại làm việc nhưng bất thành.
Vẫn còn đó những người lãnh đạo
Trường hợp Công ty TNHH Giày Việt Vinh thuộc Tập đoàn Phong Thái có hơn 50 ngàn công nhân thì khác. Lãnh đạo công ty vẫn quyết định giữ nguyên mức thưởng Tết cho công nhân như năm trước dù kinh doanh không đạt yêu cầu đặt ra. Quan điểm của lãnh đạo doanh nghiệp, nếu thưởng tốt sẽ giữ chân được công nhân.
Lãnh đạo công ty Việt Vinh hy vọng qua Tết Nguyên đán, các công nhân sẽ quay lại làm việc để đảm bảo được năng suất sản xuất. Mức thưởng của doanh nghiệp này đưa ra, nếu công nhân làm đủ 1 năm là 1 tháng lương và có thâm niên từ năm thứ 2 kế tiếp sẽ được thêm 5% tháng lương. Đây là công ty có mức thưởng Tết dành cho công nhân trực tiếp sản xuất cao nhất trong những doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trao đổi với Phóng viên Ngày Nay, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai phân tích, các doanh nghiệp phải có thưởng Tết cho công nhân và không thể lấy lý do dịch bệnh mà chậm trể hay thưởng Tết quá thấp làm công nhân không vui khi Tết cổ truyền đang đến gần.
Clip: Hàng ngàn công nhân tại Công ty TNHH Giày dép Hưng Đạt đình công:
Công nhân tại Công ty TNHH Giày dép Hưng Đạt đình công vào sáng 12/01/2021. |